Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

5 thg 8, 2011

Cuộc Đời Của Nhà Văn GABRIEL GARCIA-MARQUEZ

Gerald Martin 

 chuyển ngữ : Đào Trung Đạo

Trong số những nhà văn được trao giải văn chương Nobel trong ba thập niên cuối thế kỷ 20 có lẽ Gabriel Garcia-Marquez được giới truyền thông nhắc đến nhiều nhất


Những thông tin về nhà văn này, phần lớn là về đời tư và những phát biểu chính trị chứ không phải về những vấn đề văn học. Ông hiện nay đã ngoài 80 tuổi và gần đây thông tin mới nhất loan tải rằng tác giả của quyển tiểu thuyết nổi tiếng Trăm Năm Hiu Quạnh đã tuyên bố từ nay sẽ chấm dứt việc viết lách, nhưng sau đó lại có tin ông đang viết một cuốn truyện mới, và cuối cùng giới truyền thông lại cho biết ông không thể viết văn được nữa. Kể về đầu sách tiểu sử Gabriel Garcia-Marquez đã xuất bản có đến hàng chục cuốn, chỉ riêng bằng Anh ngữ. Chính Gabriel Garcia-Marquez cũng cho xuất bản cuốn hồi ký Living to Tell the Tale/Sống để Kể Câu Truyện bản tiếng Anh ra mắt năm 2003. Một trong những lý do người ta chú ý tới cuộc đời nhà văn này vì những dư luận về ông cũng như những điều chính ông nói về mình thường bị nghi ngờ là không hoàn toàn đúng thực, chỉ là những huyền thoại được nhiều giới chế biến với mục đích riêng, hoặc chỉ là những chuyện bông đùa vì chính bản thân Garcia-Marquez cũng rất ưa bông đùa khi gặp giới truyền thông và bè bạn. Tất cả những sự kiện nêu trên có cái lợi là làm cho ông được nhiều người biết đến, sách của ông bán chạy hơn, nhưng cũng có cái hại cho việc đánh giá tác phẩm có thể bị sai lệch, thiếu cơ sở khách quan, nhiều khi ca ngợi quá đáng, thiếu nghiêm túc. Chẳng hạn huyền thoại về việc viết quyển truyện nổi tiếng nhất Trăm Năm Hiu Quạnh vẫn được đồn thổi: rằng vào năm 1965, khi đó Gabo (ông rất thích được gọi bằng tên tắt này) còn chưa nổi tiếng, nghèo đói đến mức Mercedes Marcha, vợ ông phải bán cả đồ gia dụng trong nhà để mua đồ ăn, nhà văn đang cùng vợ con lái chiếc xe Opel cọc cạch từ Mexico City tới Acapulco đi nghỉ hè, thì giữa đường câu văn mở đầu cho quyển truyện “Nhiều năm sau đó, khi đứng đối diện đội xử tử hình đại tá Buendías vẫn còn nhớ cái ngày cha ông dẫn ông đi khám phá nước đá…” chợt lóe lên trong đầu và Gabo tức tốc quay đầu xe vội vã lái trở về Mexico City và giam mình trong phòng suốt 18 tháng để hoàn thành tác phẩm này.

“Nhiều năm sau” khi chuyện này được đồn thổi rộng rãi không bao giờ ông chịu lên tiếng xác nhận hay phủ nhận. Đấy chỉ là một thí dụ trong khá nhiều “huyền thoại” quanh nhà văn nổi tiếng này được giới truyền thông loan truyền đồn thổi hoặc được những người viết tiểu sử Gabriel Garcia-Marquez trước đây đưa ra. Cho mãi tới năm 2006 Gabo quyết định chấp nhận Gerald Martin là người “viết tiểu sử chính thức” của ông. Vì Garcia-Marquez quan niệm mỗi người đều có “một cuộc đời riêng tư, một cuộc đời công cộng, và một cuộc đời bí mật” và mọi câu chuyện ở đời đều có nhiều dị bản, tùy theo người kể cách kể câu chuyện, cho nên công việc Gerald Martin được Gabo chỉ định làm người viết tiểu sử là một công việc tuy sẽ khó khăn nhưng cũng khá hứng thú. Thật ra Gerald Martin vốn đã là một tác giả và dịch giả văn chương Châu Mỹ La tinh thế kỷ 20 có tên tuổi, và ông cũng đã thu thập thông tin tài liệu trong hơn 15 năm về Gabriel Garcia-Marquez với ý định sẽ viết một cuốn tiểu sử nhà văn này. Gerald Martin hoàn thành tập bản thảo trên 2000 trang cộng với 6000 ghi chú và bỏ ra hẳn một tháng liền ngày ngày sống bên Gabo để hoàn tất dự án. Kết quả là quyển Cuộc Đời Gabriel Garcia-Marquez sau khi đúc kết, biên soạn, khi xuất bản dày 642 trang gồm 545 trang chính cộng với 97 trang ghi chú mới đây được nhà xuất bản Knopt ở Mỹ cho ra mắt vào tháng 5 vừa qua. Đây là một tác phẩm biên soạn công phu, nghiêm túc, và vì tác giả được chính Garcia-Marquez chấp nhận, nên quyển sách cũng có nhiệm vụ “giải hoặc” những huyền thoại hay dư luận tồn tại lâu nay quanh nhà văn “siêu sao” này. Như vậy cũng có thể coi đây là quyển tiểu sử đáng tin cậy cuối cùng về Gabo. Đọc quyển sách này ta thấy Gerald Martin rất trung thành với tiêu chí dùng những sự kiện về cuộc đời Gabriel Garcia-Marquez để minh giải những tác phẩm của nhà văn này. Để trung thực Gerald Martin đã viết bằng một giọng văn khiêm nhã, từ tốn, đôi khi bông đùa nhẹ nhàng nhất là khi muốn giải hoặc những huyền thoại. Quyển sách cũng dành nhiều trang cho quyển Trăm Năm Hiu Quạnh, tác phẩm nổi tiếng nhất của Gabo. Chẳng hạn khi kể lại sự việc viết tác phẩm này Gerald Martin đã làm cho những người thích huyền thoại “quay xe trở về” như đã kể trên thất vọng khi ông viết “không phải là ông ta đã lái xe xa chừng đó…Và rồi thì…” Sau khi đưa ra các chứng cớ và lý do cũng như trách nhiệm của người viết tiểu sử, sau câu “và rồi thì…” tác giả từ tốn kết luận câu chuyện xưa nay mọi người vẫn nghe nói là không thể đúng sự thực được.

Kế đó Gerald Martin nêu ra những sự kiện trong giai đoạn tuổi thơ và trẻ tưổi của Gabo, nhất là thời gian cậu bé Gabo bị cha mẹ bỏ rơi phải sống với ông bà ngoại, thời làm ký giả trong những năm bất trắc ở Colombia, hai năm sống vất vưởng ở Paris, rồi sau đó là một thời gian ngắn ngủi làm phóng viên cho hãng thông tấn của Nhà Nước Cuba sau khi Fidel Castro lên cầm quyền. Quãng đời thơ ấu, hình ảnh bà ngoại cũng như cảnh thổ vùng quê núi non trùng điệp vây quanh những cánh đồng chuối mênh mông bát ngát chính là chất liệu cho vùng Macondo hư cấu trong Trăm NămHiu Quạnh. Năm 1960 Garcia-Marquez đã về lại Mexico City sống. Thật ra từ 1955 Gabo đã chứng tỏ là người không những viết truyện ngắn giỏi mà còn viết tiểu thuyết tài năng qua các quyển Bão Lá (xuất bản năm 1955), Không Ai Viết Thư Cho Ông Đại Tá (xuất bản năm 1961) và Trong Giờ Ác Quỷ (xuất bản năm 1962) nhưng ông chưa có cái may mắn tạo được tên tuổi như Julio Cortázar, Carlos Fuentes hay Mario Vargas Llosa. Là người có kiến thức chuyên xâu về văn chương cổ kim viết bằng tiếng Tây-Ban-Nha, và cũng là một sử gia nên Gerald Martin đã sử dụng phương pháp sử học trong việc thu thập, đánh giá, và phê phán những sự kiện một cách khách quan khoa học. Để hiểu rõ về xứ Macondo và nhân vật Đại Tá Buendías là những hư cấu cũng như về cuộc thảm sát công nhân công ty chuối của Mỹ ở Colombia vào đầu thế kỷ 20 tác giả đã làm những nghiên cứu sử học khả tín, nghiên cứu tận tường các sự kiện lịch sử và phả hệ ba gia đình thân quyến con cháu nội ngoại do những cuộc hôn phối chính thức và ngoại hôn, cộng thêm phả hệ của nhân vật Buendías. Nhưng khi tìm hiểu về cuộc tình yểu mệnh giữa Gabo và một phụ nữ ở Paris thưở nhà văn còn là một thanh niên lang thang đói rách thì Gerald Martin gặp trở ngại không vượ qua được khi Garcia-Marquez nhất định không chịu hé răng tiết lộ những bí ẩn về cuộc tình này, nên tác giả chỉ còn cách tìm kiếm nhân vật người tình bằng xương bằng thịt nay đã xấp xỉ bát tuần, phỏng vấn bà rồi nối kết với những biến sự, những vết tích trong các truyện của Garcia-Marquez viết về tình yêu, tình dục, cuộc sống riêng tư, cuộc sống bí mật, và cuộc sống ngoài công cộng, để có được một câu chuyện tương đối khả tín.

Tương tự như vậy, Gerald Martin đã viết về mối quan hệ giữa Gabriel Garcia-Marquez và Fidel Castro một cách tinh tế, toàn diện và công bằng. Trong hơn nửa thế kỷ mối quan hệ của nhà văn với nhà độc tài Fidel Castro có nhiều điểm khuất lấp, cộng thêm quan điểm thiên tả của Gabo chống lại chính sách “đế quốc” của những chính quyền Mỹ, và trong những thập niên 60s và 70s hình ảnh Gabo và Castro thân thiết kèm theo những tuyên bố ủng hộ nhả độc tài này khiến Gabo bị khá nhiều nhà văn và trí thức Châu Mỹ La Tinh phê phán nặng nề, coi Gabo như “một tên tà-loọc” của Castro, và chính phủ Mỹ trong nhiều năm đã không cho phép Gabriel Garcia-Marquez nhập cảnh Mỹ, mãi cho tới khi tổng thống Bill Clinton lên cầm quyền lệnh này mới được bãi bỏ. Tác giả cũng cho thấy thái độ xét lại thầm lặng của Gabo đối với những chính sách chao đảo của Fidel Castro. Tuy vậy mối liên hệ này đã gây hậu quả tổn hại không ít cho danh tiếng của nhà văn này. Và nay ta đã có độ lùi thời gian đủ dài để xem xét lại mọi sự kiện để có được một cái nhìn khách quan và Gerald Martin đã tỏ ra công bằng khi xét đoán. Ngoài mối quan hệ với Fidel Castro, vì Gabo quen biết rất nhiều nhân vật nổi tiếng không những trong chính giới, văn giới, mà còn cả giới báo chí, sân khấu kịch nghệ và điện ảnh khắp thế giới nên cũng có nhiều vụ việc gây dư luận ồn ào trong một thời gian. Chẳng hạn cuộc chạm trán giữa Gabriel Garcia-Marquez với nhà văn Peru lưu vong Mario Vargas Llosa, khi Gabo gọi nhà văn này bằng danh từ thân thiện “Người anh em” Vargas Llosa nổi giận muốn vả vào miệng Garcia-Marquez, thẳng tay phản đối khước từ cách gọi này. Trong vụ này theo dư luận đồn thổi về mối liên hệ tình cảm khấut lấp giữa Gabo với bà vợ của Vargas Llosa, và sự việc này đã tạo ra không những sự ngộ nhận mà còn đưa đến mối hiềm khích giữa hai nhà văn nổi tiếng. Mối liên hệ mật thiết của Gabo với nhà độc tài Torrijos của xứ Panama cũng tạo dư luận xấu cho nhà văn, nhất là khi ông miễn cưỡng lên án chính sách tàn bạo của nhà độc tài này. Để công bằng với người mình viết tiểu sử, Gerald Martin cũng cho người đọc thấy Gabriel Garcia-Marquez có những thành tích to lớn trong việc đấu tranh cho tự do báo chí, bênh vực những tù nhân lương tâm trên khắp thế giới, hết lòng giúp đỡ giới báo chí và các nhà văn trẻ của Châu Mỹ La Tinh. Nhìn chung, viết tiểu sử một “siêu sao” là Gabo, kẻ từ nhiều thập niên đã biết cách “tự khuyến mãi” – người đời chế riễu ông bằng cách đặt cho Gabo tên là “Garcia-Marketing” – cũng là kẻ từ lâu đứng trong vùng hào quang, nhưng những trang sách trong quyển Cuộc Đời Gabriel Garcia-Marquez của Gerald Martin không chỉ có ánh sáng mà còn có cả bóng tối ảm đạm buồn bã mô tả cái trận đồ giữa quyền lực, tình ái, văn chương, và chính trị thời đại trong đó nhiều khi Gabo vừa đóng vai một nhân vât vừa là một nhân chứng quan trọng. Có lẽ phần thiếu sót đáng nói nhất của quyển sách là tác giả đã không đề cập nhiều tới chủ đề “hiện thực huyễn ảo” suốt trong nhiều thập niên từ những năm 70s đã được đánh bóng, trở thành thời thượng, người đời thường gắn liền với tên tuổi của Gabriel Garcia-Marquez. Theo cái nhìn có tính lịch sử văn học, thì sau khi “hiện thực xã hội chủ nghĩa” rồi “hiện thực phê phán” đã bị thời gian xóa bỏ, những trí thức, nhà văn thiên tả đã ồn ào trám vào những khoảng trống đó bằng “hiện thực huyễn ảo.” Và rồi ngày nay quan niệm văn chương này cũng đã bị đẩy lui vào bóng tối. Và trong “căn nhà tiểu thuyết” thế giới, tác phẩm của Gabriel Garcia-Marquez chưa có được cái tầm cỡ của Marcel Proust, Franz Kafka, James Joyce, William Faulkner, và Samuel Beckett.

gio.o.com

Không có nhận xét nào: