Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

21 thg 8, 2011

Tặng Vật Của Trời

tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hiện


mười hai
một đòn chí mạng.

    Một người đàn ông nằm trên mặt đất, chắc là đã chết, trước mặt có con bò rừng đứng trong tư thế kỳ lạ, như đang sắp ngã xuống, ruột gan tràn ra bên ngoài, bên sườn có cắm một ngọn lao. Đó là nội dung một phiên bản tranh hang động thời tiền sử treo ở nhà vị trưởng tế. Sau những ngày lang thang trong làng, chúng tôi đã đến nhà vị trưởng tế.
 
Nắng là có đấy, nhưng có vẻ như không còn tồn tại, một thứ sắc màu thâm u đang dồn chặt lại bên dưới một bầu trời buồn và thấp. Khí sắc mùa thu  như làm tăng vẻ huyền bí nơi bức cổ họa của thời tiền nhân loại. Phải mất bao nhiêu giây phút thẩn thờ trước bức bích họa, tôi và nàng mới ngồi xuống ghế được. Chẳng hiểu là vị cựu sứ thần cố ý làm ngơ, hay không nhìn thấy chuyện này thật, chúng tôi vừa ngồi là ông bắt đầu nói về ngôi làng của mình. Một nhà nghiên cứu có tâm huyết mấy cũng phải mất cả đời mới hiểu nổi một vùng đất rất cổ bỡi cái gì nói ra nghe cũng thuộc buổi khai thiên lập địa, nhưng cái gì cũng có thể gán cho một ý nghĩa tân kỳ. Phác vẽ xong mấy nét về ngôi làng của mình, vị cựu sứ thần ngồi im để chờ nghe phản ứng của chúng tôi. Có một sự hiểu lầm là ông cứ tưởng chúng tôi đến làng ấy để làm công việc nghiên cứu nào đó. Tôi nói dù chưa hiểu hết ý nghĩa, nhưng những truyền thuyết về lập đất lập làng ở đây đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng sâu sắc. Tôi nói thế cốt để ông thấy đó là cảm tưởng của khách tham quan, chứ không phải của người làm công việc nghiên cứu. Nhưng chẳng cần biết cảm tưởng đó là của ai, thứ ấn tượng sâu sắc tôi vừa giới thiệu với ông lập tức được ông nâng lên thành thứ đặc trưng của một vùng đất. Rằng, ông đã đi hầu hết các nước trên thế giới (vị cựu sứ thần của chính phủ đã làm công việc ngoại giao gần ba mươi năm) nhưng chưa có nơi nào để lại trong ông ấn tượng sâu sắc, rằng, lẽ ra sau bao nhiêu năm đi đó đi đây, vào những ngày này ông phải sống ở một thành phố nào đó, nơi có đủ các phương tiện văn minh hiện đại, thì ông lại quay về quê hương nghèo khó của mình, chỉ mỗi điều này cũng đủ nói làng quê ông chẳng phải miền đất bình thường, rằng khi nói vùng đất đó để lại ấn tượng sâu sắc trong ta thì phải hiểu đó là nơi có một bề dày lịch sử. Quả là vị cựu sứ thần của chính phủ cũng không mấy khác những dân làng lam lụ, trong chỗ sâu thẳm của lòng ông cũng tồn tại một niềm tự hào không dễ gì lý giải nổi. Tôi hỏi ông như đã hỏi ông cụ trong lễ tế thần làng, là như có ai đó cũng nói vị thần làng của mình là ông tổ loài người, thì làm sao? Vị cựu sứ thần bảo mọi người đều có thể nói ra quan niệm của mình về sự hình thành thế giới, nhưng chỉ quan niệm nào làm sáng rõ ý nghĩa cuộc tồn sinh của con người thì mới có cơ may còn lưu lại trong ký ức con người. Chẳng hạn như những truyền thuyết về vị thần làng ở đây? Tôi hỏi. Dường vị cựu sứ thần chỉ chờ tôi hỏi câu này. Có nghĩa là chờ các vị khách lạ là chúng tôi chạm vào thứ từ vựng tinh tế mà ông cho rằng chẳng nơi đâu có. Tôi đọc được trong nụ cười ấy niềm khoái trá của một người đã tìm được cái cách nhìn thế giới cho riêng mình. Trước khi bắt đầu bài thuyết giảng về vị thần làng của mình là ông nhìn chúng tôi cười thật cởi mở. Rằng vấn đề ở đây là quá rộng lớn, nên chúng ta có thể đứng ở góc độ nào cũng được, sử  học cũng được, mà nhân chủng học hay khảo cổ học cũng được ( Ông nói thế là đương nhiên coi chúng tôi đồng tình với cách nhìn của ông) Rằng sách thần là một trong những giọng nói đầu tiên của loài người, chẳng những là giọng nói đầu tiên mà còn là giọng nói sáng rõ nhất, ngay tự buổi đầu tiên ấy vị tổ của loài người đã nhìn thấy chỗ hệ trọng nhất của cuộc tồn sinh, nó, cuộc tồn sinh này là một cuộc chiến không ngừng nghỉ. Coi như là chúng tôi không thể tiếp tục ngồi nghe ông nói, bỡi cách nghĩ như thế đối với chúng tôi là không thể chấp nhận được. Hãy nói ra ý kiến của chúng ta thôi. Nàng rỉ tai tôi. Và tôi liền nói. Thưa ông, nếu như cuộc tồn sinh là một cuộc chiến không ngừng nghỉ thì làm sao có một ngày như ngày hôm nay để chúng ta ngồi ở đây luận về nó. Tôi lại đọc được trên vẻ mặt ông vẻ rộng lượng của một người từng trải. Ông bảo rằng cách hiểu của chúng tôi là dễ dẫn tới sự rối rắm, nói cuộc tồn sinh là một cuộc chiến không ngưng nghỉ không có nghĩa là ngày nào cũng nổ súng vào nhau, mà phải hiểu không ngày nào là nhân loại lại quên đi cuộc chiến đấu ấy, rằng ông đã đi khắp thế giới và không thấy có nhân loại ở nơi đâu là không  có quân lính và súng đạn. Tôi nói, để bảo vệ tổ quốc của mình thì đất nước nào cũng phải vũ trang như thế. Vị cựu sứ thần bỗng cười thật to. Và đến lúc này thì ông vừa nói vừa nhìn lên bức tranh trên vách như để tạo nguồn cảm hứng cho mình. Rằng cuộc chiến đấu ấy là bắt đầu tự những năm tháng con người còn là những động vật săn bắt những động vật khác, những năm tháng mà chỉ một phút lơ là thì lập tức bị xóa khỏi mặt đất, rằng âm vang của cuộc chiến đấu để sống còn trong quá khứ là vẫn còn nguyên trong chỗ sâu thẳm của tinh thần nhân loại, không chiến đấu là không tồn tại, rằng cuộc chiến ấy dù được gọi bằng cách gọi hoa mỹ nào của văn minh hiện đại thì vẫn là nó. Như thế lịch sử loài người là lịch sử của cuộc chiến đấu? Tôi hỏi. Cũng có thể nói như thế. Ông đáp. Rồi bảo tôi với nàng hãy nhìn kỹ bức tranh trên vách thì sẽ rõ lịch sử của loài người. Tôi nói, chúng ta sẽ không bao giờ biết đó là một cảnh tượng thật, hay chỉ là một bản anh hùng ca được kể quanh một đống lửa trại. Ông nói, dù đấy là một bản anh hùng ca thì con người tự thời tiền sử cũng đã nhận ra chân lý của cuộc sống là phải chiến đấu để tồn tại. Tôi nói, như thế con người là luôn thù địch với con người. Còn nàng thì bảo như thế lịch sử loài người là lịch sử của sự thù địch. Anh chị đã làm cho sự việc trở nên phức tạp đấy thôi, có khi, từ thù địch dẫn đến cuộc chiến, nhưng có cuộc chiến như  giữa con người tiền sử với con bò rừng  là hoàn toàn không phải do thù địch, chiến đấu để tồn tại và thù địch nhau là hai khái niệm không có quan hệ nhân quả. Ông nói. Nhưng nếu như lịch sử  loài người là lịch sử của cuộc chiến đấu, thì có còn chỗ nào cho tình yêu không? Nàng chợt hỏi. Vị cựu sứ thần bảo đấy là một khái niệm để trang trí cho cuộc tồn sinh. Nhưng thưa ông, là nó có một chỗ đứng nào trong lịch sử con người hay không? Nàng lại hỏi. Ông bảo gần ba mươi năm làm công việc giao hảo với các nước trên thế giới, khái niệm bạn bè hay thân hữu, những chi nhánh của khái niệm tình yêu, đã được ông sử dụng một cách thoái mái, có nghĩa dùng bao nhiêu cũng được, mở rộng đến mấy nhiêu cũng được, chúng ta vẫn mãi mãi là bè bạn của nhau,  hoặc, tình bạn giữa hai nước chúng ta là đời đời bền chặt, có thể nâng khái niệm ấy lên đến  chỗ vĩnh hằng, bỡi chẳng tốn kém chi hết, ông bảo rằng ông dùng mãi khái niệm ấy mà không hết, bỡi nó không là gì hết. Tôi nói như thế tình yêu chỉ là một khái niệm trống rỗng. Còn nàng thì hỏi, có phải cuộc tồn sinh này là đặt nền tảng trên máu và gươm như sách thần làng này đã nói hay không? Nhưng anh chị là đang nghiên cứu về lĩnh vực nào? Mãi đến lúc này vị cựu sứ thần mới hỏi lý do chúng tôi có mặt ở làng ấy. Tôi nói là tôi với nàng đang đi đò dọc trên sông, thấy lễ tế thần của làng rất lạ, nên dừng lại xem cho biết. Có nghĩa anh chị là khách  du lịch? Thưa không, là đang đi tìm con nước đầu nguồn của một con sông. Tôi nói. Ông bảo là ông vẫn chưa hiểu. Tôi phải nói thật là chúng tôi đang yêu nhau, và muốn nhìn thấy con nước đầu nguồn của con sông chảy qua quê nàng. Tức anh chị là những nhà khảo sát địa chất? Tôi nói không phải, mà là đang thử làm một thể nghiệm về tình yêu. Lần này thì chúng tôi nhận ra rất rõ, trong giọng nói của ông, không chút cao ngạo, mỉa mai, mà rõ ràng là ý nghĩ rất rõ của một người tự coi mình là biết rõ nhất về chuyện trần gian. Tình yêu chỉ là thứ tiếng nói cốt làm phong phú  cuộc sống của con người, nhưng có người lại tưởng đó là chuyện thật, cho nên đi thể nghiệm về tình yêu là lao vào một cuộc đối thoại với hư không. Ông nói. Với những ai khác thì quan niệm thế chẳng chết ai. Nhưng với tôi và nàng thì khác. Cái buổi chiều thu hôm ấy có thể nói là buổi chiều buồn bã nhất trong đời tôi và nàng. Chúng tôi ra bờ sông, không mong gì gặp được đò. Và như  trời đất xui khiến ông lão lái đò ấy đến cứu vớt chúng tôi. Cho chúng tôi đi với. Chỉ  mỗi tôi là còn gọi nổi. Tôi còn ráng bước được. Nhưng nàng thì phải nhờ ông lão dìu xuống đò. Biết chúng tôi muốn tiếp tục cuộc hành trình đã bỏ dở, ông lão có vẻ ái ngại. Anh chị bị bệnh thế này thì làm sao đi? Ông hỏi. Làm sao chúng tôi có thể nói cho ông hiểu rằng cái quan niệm về tình yêu của vị cựu sứ thần là một đòn chí mạng đối với tôi và nàng.

Không có nhận xét nào: