Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

14 thg 8, 2011

Tặng Vật Của Trời

tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hiện


mười một.
một thứ từ vựng tinh tế và kiêu sa.

    Quả tình  mùa thu ở đây vàng một nỗi ám ảnh. Ám ảnh bỡi một thứ quá khứ đã được tinh kết thành thứ từ vựng tinh tế, kiêu sa, và không phải cứ nghe thấy là hiểu. Ám ảnh bỡi một thứ hiện tại được biểu lộ trong một diện mạo có vẻ minh bạch, nhưng không dễ gì cứ trông thấy là hiểu. Đúng là tôi với nàng không dễ gì rời khỏi một nơi chốn như thế.
 
Cái gì cũng có vẻ cuốn hút. Từ việc bà lão lấy tay che ngang mày để ngăn bớt ánh sáng trong lúc nhìn tôi với nàng, và hỏi có phải là lần đầu  chúng tôi đến làng này hay không, cái cách chào hỏi lập tức gợi lên thứ ấn tượng khác thường về một vùng đất. Cho đến cái cách lũ trẻ nít lột hết áo quần, dậm chân một cái, rồi cùng vỗ tay hát về vị thần đã làm ra đất đai và con người của làng mình, lời hát quyến rủ, cách hát cũng quyến rủ… thuở mới được thần sinh ra thì con người không biết xấu hổ…
    Tôi và nàng đang đi đò dọc trên sông thì nghe tiếng chiêng tiếng trống. Chưa bao giờ chúng tôi nghe kiểu khua chiêng trống như thế. Người ta đang cúng thần làng của làng, cũng là tổ thần của các vị thần đấy. Ông già lái đò là kẻ am tường các nền văn hóa ở hai bên bờ con sông ấy đã nói với chúng tôi. Bấy giờ là giữa buổi mai. Có nghĩa có đủ thời gian đến được đầu nguồn của sông. Nhưng chính là thứ tiếng chiêng tiếng trống đó đã kéo chúng tôi lên bờ, rồi bị cầm chân ở đó. Nó, tiếng chiêng tiếng trống đó như cách thức nhắc nhở con người, chỉ là khua lên, cốt để làm dấy lên thứ nhận thức về quá khứ, và liền sau đó là lặng đi, cho giống với buổi hồng hoang. Khi tôi với nàng đến đình làng thì chiêng trống đã im. Già trẻ gái trai trong làng là đã tề tựu đông đủ. Đối với người làng, việc tôi với nàng xuất hiện ở đình làng vào lúc đó tựa như hai con người của thế giới man di xuất hiện giữa ánh sáng văn minh, bỡi lẽ là chúng tôi chẳng hiểu biết chút gì về nền văn hóa đương diễn ra ở đó. Hai anh chị hãy đứng vào đây, đứng như thế này này…Người ta nói, như những hướng dẫn viên du lịch trước đám khách nước ngoài, gần như thì thào, chỉ đủ để tôi với nàng nghe, ưu ái và chân tình, bỡi lẽ người ta biết rất rõ là lần đầu chúng tôi đến đó. Quả tình là lần đầu chúng tôi được nghe một văn tế thần vừa tân kỳ vừa cổ kính. Sau đó thì mới biết vị trưởng tế là một viên chức ngoại giao của chính phủ đã nghỉ hưu. Còn lúc đó tôi với nàng vừa chăm chú nghe nội dung của bản văn, vừa thử đoán vị trưởng tế là ai, con người nhìn kỹ thấy chẳng giống chút nào với đám dân làng lam lụ đang vây quanh chúng tôi. Thần là làm ra con người cho nên thần là luôn có trong mỗi ý nghĩ của con người, là luôn cùng với con người đứng về phía bờ bên này. Chúng tôi nghe câu ấy tới hai lần, lúc mở đầu và lúc giữa bài văn tế. Phía bờ bên này là phía nào? Nàng thì thầm vào tai tôi. Nhưng ông cụ đứng bên cạnh đã thúc nhẹ vào người tôi, ra hiệu hãy im. Trước mắt chúng tôi lúc đó là một quang cảnh thuộc thời hiện tại: Một bàn thờ thần chẳng có chi ngoài lư nhang đương cháy và những ngọn đèn đương sáng, một áng văn chương dài lê thê viết về sự tích vị thần của làng cũng là ông tổ của loài người, một vị trưởng tế để lộ hết niềm hân hoan trong lúc xướng đọc tế văn, một bầy người lam lụ của một vùng quê nghèo khó dường như đang tự hào với toàn thế giới rằng kẻ sinh ra loài người vốn là dân làng của mình. Hồi ấy là ông ấy từ làng này ra đi. Ông cụ nhắc nhở chúng tôi chớ chuyện trò lúc đang hành lễ nói với chúng tôi lúc lễ xong. Nhưng chuyện này thì không thấy nói trong văn bản tế thần? Nàng nói. Sự tích về thần có kể suốt năm cũng chẳng hết. Ông cụ nói. Tôi hỏi, như có một nơi nào đó trên đời này cũng bảo vị thần làng của mình là ông tổ của loài người, thì làm sao? Là tổ của loài người thì chỉ có một người. Ông cụ đáp, vẻ dứt khoát, y như rằng quan niệm về vị thần làng của người làng ông là không còn phải bàn cãi gì nữa. Có một ngôi làng trên mặt đất này, nghèo, bỡi con sông chảy qua đây không đủ sức làm tốt đất đai của làng, người ở đây phải đi làm đủ mọi thứ công việc ở các nơi khác mới kiếm đủ cơm ăn áo mặc, chuyện áo cơm là chưa tới đâu hết, nhưng người của làng thì luôn tự hào mình là dân của làng này, và bất kỳ người nào trong làng cũng có thể kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện về vị thần làng của mình. Lúc đầu chúng tôi thấy cũng có vẻ kỳ cục. Có thể có ai đó trong quá khứ nghĩ ra những câu chuyện đó, rồi quá khứ có những câu chuyện đó trở thành thứ từ vựng đầy sức sống, thế thì chẳng phải là ước mơ, là không tưởng, đã hóa thành hiện thực hay sao? Làng ấy nghèo cả củi đun bếp. Dĩ nhiên là không thể có kênh dẫn văn minh chất đốt vào làng. Để làm chín những nồi cháo rau cho đám vật nuôi trong nhà (heo, gà), người ta đã tận dụng rơm rác ở trong vườn. Nồi đun cháo là chiếc vò bằng gốm, được đậy kín nắp, rồi đặt vào một cái ang to, cũng bằng gốm. Sau khi cho rơm rác vào đầy ang, tức đã phủ kín nồi đun, thì bắt đầu đốt lửa. Người của làng này nghĩ ra đó. Khi chúng tôi hỏi ai đã sáng chế ra cách nấu này, thì người nào cũng bảo thế. Người của làng này là thuộc thứ từ vựng tinh tế và kiêu sa.

Không có nhận xét nào: