Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

18 thg 11, 2011

Những Điều Chưa Biết Về Bậc Thầy Nhiếp Ảnh
Thời Trang MARTIN MUNKACSI

Nhiếp ảnh gia người Hungary ít được biết đến, Martin Munkácsi là tác giả của các bức ảnh độc đáo là tiêu điểm trên các tạp chí thời trang. Công việc của ông được tiết lộ trong một cuộc triển lãm về các nhiếp ảnh gia người Hungary trong thế kỉ 20 tại học viện Hoàng gia London mở cửa cho đến ngày 3 tháng 10.




Vào một ngày lạnh giá tháng 11 năm 1933, Carmel Snow, biên tập viên vừa được bổ nhiệm của tạp chí Harper's Bazaar khi đó mang theo một nhiếp ảnh gia ít tên tuổi đến bãi biển Piping Rock, Long Island để thực hiện một loạt hình về trang phục áo tắm. “Đó là một ngày lạnh giá và không dễ chịu,” bà nhớ lại. “Không thuận lợi tí nào để thực hiện một bức ảnh khu nghỉ dưỡng thu hút khách du lịch. Tôi run rẩy trong sự cảm thông với Lucile tội nghiệp”.

Lucile chính là Lucile Brokaw, con gái của vận động viên trượt băng tại Olympic, Irving Brokaw. Trong khi cô đứng run rẩy trong bộ đồ bơi với chiếc mũi đã thở ra khói thì Carmel Snow bắt đầu tuyệt vọng. “Nhiếp ảnh gia không nói được tiếng Anh, người bạn của anh ta dường như phải đi theo suốt để phiên dịch”. Và người chụp hình thì bắt đầu thực hiện “những động tác hoang dã” bằng cánh tay của anh. “Anh ta muốn cái gì?”, Snow thắc mắc nhưng Lucile thì hiểu và cô bắt đầu chạy lại phía nhiếp ảnh.



Bức ảnh chụp đầu tiên cho Harper's Bazaar (Lucile Brokaw), 1933, Hungarian Museum of Photography, Kecskemét.

Và Martin Munkácsi đã chụp được những bức ảnh đi vào lịch sử trong sự nghiệp của anh ta cũng như nghệ thuật nhiếp ảnh. Lúc bấy giờ, thời trang vẫn còn là một lĩnh vực mang tính trình diễn trên sân khấu, sử dụng những mannequin thay cho người mẫu trong một studio mốc meo. Hãy nhìn vào những đường nét trên khuôn mặt Lucile được chỉnh sửa trong bức hình, chiếc cằm hướng về phía trước kèm theo nụ cười rạng rỡ hài hòa với sự sôi nổi của từng đợt sóng cuồn cuộn phía sau cô. “Điều này chưa bao giờ được thực hiện trước đó” Carmel Snow viết. “Đây chính là một sự đổi mới toàn diện mà lần đầu tiên tôi giới thiệu cho Harper's Bazaar”.

Tác phẩm của Martin Munkácsi đã thể hiện tính năng động, phóng khoáng của những cô gái trẻ người Mỹ và tạo ra hình ảnh một thế hệ phụ nữ mới tiêu biểu là Katharine Hepburn và Jean Harlow. Nó cũng chuyển tải sức sống mạnh mẽ và tính giản dị của người mẫu như thể cô ấy có thể chạy ra khỏi bức hình và bước vào đời thực bất cứ lúc nào.

Richard Avedon, một nhiếp ảnh gia mà phong cách của anh gợi nhớ đến Martin Munkácsi với dáng đứng quen thuộc trước biển của người mẫu mơ màng trước ống kính. Năm 11 tuổi, Richard Avedon đã xé trang từ tạp chí Harper's Bazaar và dán nó lên trần nhà, bên cạnh những nắp hộp kem Dixies bằng bìa các tông ố vàng và quăn góc bằng một thứ hồ do ông tự làm. Tuy nhiên Richard Avedon không phải là người duy nhất hâm mộ Martin Munkácsi.

Tại Marseilles, nước Pháp chàng thanh niên Henri Cartier-Bresson cũng đã tái hiện lại khoảnh khắc của Martin Munkácsi với tấm hình chụp 4 đứa trẻ chạy về phía biển. “Tôi phải nói rằng”, Henri Cartier-Bresson viết lại sau này. “Những bức hình đó đối với tôi cũng sáng bừng như pháo hoa vậy. Nhiếp ảnh cũng có thể đạt đến sự bất tử chỉ trong một khoảnh khắc…‘Tuyệt thật’ tôi nói, chộp lấy máy ảnh và chạy ra ngoài”.



Bốn đứa trẻ tại hồ Tanganyika, 1930 Hungarian Museum of Photography.

Vậy thì Martin Munkácsi là ai? Tại sao ngày nay không mấy người trong chúng ta biết đến ông dù vào thời điểm ấy tại Mỹ, ông đã là một trong những phóng viên ảnh nổi tiếng nhất Châu Âu.

Danh tiếng và vận may của Martin Munkácsi đã đạt đến đỉnh cao tại New York nhưng kèm theo đó là sự sụt dốc đáng thương bao gồm việc mất đi người thân, ly hôn và bệnh tật đã khiến ông sống cô độc trong hành lang của tòa soạn tạp chí Harper's Bazaar chờ đợi sự phân công. Khi Martin Munkácsi qua đời vào năm 1963 ở tuổi 67, người vợ cũ của ông không tìm được gì trong căn hộ trống rỗng ngoại trừ một hộp spaghetti ăn dở trong tủ lạnh với một chiếc nĩa còn cắm trên nó.

Trong một thập kỉ qua đã có nhiều sự kiện được tiến hành để tưởng niệm Martin Munkácsi. Chẳng hạn như triển lãm tại trung tâm nhiếp ảnh quốc tế tại New York năm 2007 hoặc gallery Howard Greenberg năm 2009. Nhưng các tác phẩm của ông chỉ thực sự nổi bật khi chúng được triển lãm tại Anh được trưng bày tại Học viện Hoàng gia London như là một phần trong triển lãm về các nhiếp ảnh gia người Hungari. Bên cạnh những cái tên được nhiều người biết đến như Brassaï, Robert Capa, André Kertész và László Moholy-Nagy thì Martin Munkácsi giữ vai trò như là một trong những người khai sinh ra chủ nghĩa hiện đại. “Không chỉ là tài năng mà bạn còn phải là người Hungari”, nhiếp ảnh gia Robert Capa từng nói.

Martin Munkácsi sinh năm 1896 với cái tên thật là Márton Mermelstein, trong một ngôi làng ở Kolozsvár, Transylvania. Sau này trong những bài viết của mình, ông đã mô tả sống động những người nông dân địa phương yêu đất đai, rượu khoai tây, ngựa và phụ nữ. Cha của ông là một họa sĩ, thợ trang trí nghiện rượu và là một ảo thuật gia bán thời gian, người đã dùng khả năng của mình để biểu diễn những trò như là thoát khỏi sợi dây thừng hay tòa nhà đang cháy. Sự bùng phát của phong trào chống DoThái đã khiến cha ông quyết định đổi họ thành Munkácsi và cuối cùng là chuyển tới sống tại Budapest, nơi cậu bé Márton phải tự lập.
Nguyên nhân đưa đẩy Martin Munkácsi trở thành một nhà báo không rõ ràng. Tuy nhiên ông nổi tiếng với những bài báo về bóng đá và đua xe mô tô cho tờ Az Est ('The Evening'). Khi đó ông được yêu cầu phải cung cấp những tấm hình do mình tự chụp và đó chính là tiền đề cho phong cách sống động mà trở thành đặc trưng cho các tác phẩm của ông sau này. “Trong một năm, tôi đã trở thành nhiếp ảnh gia hàng đầu tại Hungary”, ông nói.

Một đồng nghiệp cùng thời đã miêu tả cách làm việc của ông như sau: “Tôi thấy anh ta quỳ trên vũng nước tại một cuộc thi chạy băng đồng để chụp hình những con ngựa khi chúng băng qua chướng ngại vật. Hay trong những cuộc đua xe, Martin Munkácsi buộc mình vào chiếc xe để chụp lại những bức hình của nó trên đường đua. ‘Tay máy bị điên’ là những gì mà họ gọi anh ta”.



Châu Âu, những năm 1920.

Cũng giống như nhiều người thiên về “cánh tả” và những đồng nghiệp khôn ngoan của mình, Martin Munkácsi nhận thấy bầu không khí ở Hungari sau sự sụp đổ của đế quốc Áo-Hung căng thẳng và ngột ngạt. Năm 1928, ông đã chọn Berlin, nơi những tờ báo có hình minh họa đang phát triển là ngôi nhà mới của mình. mặc dù Paris là thỏi nam châm đối với các nghệ sĩ ở đầu thập niên 20 của thế kỉ trước nhưng vào thời điểm ra đi của Martin Munkácsi thì thủ đô của Đức đang trải qua thời hoàng kim của các quán bar, văn học, nhiếp ảnh và phim truyện.

Martin Munkácsi nhanh chóng tìm được việc làm tại tạp chí “Biz, Uhu, Die Dame and Vu” với các câu chuyện trải từ Liberia, Scandinavia, Brazil, Algeria và New York cũng như khung cảnh giản dị ở khu chợ và những cuộc chèo thuyền trên hồ ở nước Đức mới. Phong cách năng nổ của ông rất phù hợp với một thành phố mà nhà ngoại giao kiêm phóng viên Harold Nicolson đã mô tả là thành phố “không nghỉ” hiện đại nhất châu Âu.

Martin Munkácsi đã ghi lại quan cảnh lịch sử của sự kiện “Day of Potsdam” năm 1933. Đó là trùm phát xít Hitler với chiếc mũ trong tay cùng với bộ trưởng tuyên truyền mới của Đức Quốc Xã, Goebbels. Nhưng đây cũng là những bức hình cuối cùng mà ông chụp ở Paris bởi giới truyền thông dần dần bị chính phủ kiểm soát. Là một người Do Thái làm việc cho một tòa soạn Do Thái, thời gian của Martin Munkácsi chẳng còn bao nhiêu ngày.

Đó chính là thời điểm mà ông chụp bức ảnh của Lucile Brokaw trên bãi biển trong một chuyến công tác đến Mỹ theo sự phân công của Biz. Chính Carmel Snow đã đưa ra lời đề nghị về một công việc cho Martin Munkácsi và một năm sau, khi đưa tin về Olympic, ông đã có sẵn tấm vé một chiều để đến Mỹ trong túi.

Martin Munkácsi đã làm việc cho Harper's Bazaar, Life và Ladies' Home Journal. Bên cạnh thể thao và thời trang, ông còn để mắt đến Hollywood, nơi thay vì đứng bất động thì các ngôi sao biết tự tạo dáng. Một tác phẩm chụp người mẫu dưới chiếc dù che nắng là tấm ảnh nude đầu tiên mà Martin Munkácsi thực hiện cho Harper's Bazaar. Trong một tấm ảnh tương tự, người phụ nữ với chiếc mũ rơm nghiêng người về phía trước, những sợi lông tơ trên cột sống của cô có thể nhìn thấy một cách rõ ràng.



Nude với mũ rơm, 1944, Hungarian Museum of Photography.

Vào năm 1936, thu nhập của ông là 100.000 đô trong khi một gia đình trung bình ở Mỹ chỉ kiếm được khoảng 4.000 đô. Martin Munkácsi đã xây dựng một ngôi nhà xa hoa ở Long Island, nơi mà ông trùm mafia Frank Costello là người hàng xóm của ông. Trong phòng khách của ngôi nhà treo các bức họa của Rubens và Tintoretto. Tháng 5 năm 1939, người vợ thứ hai của ông yêu cầu li dị (Martin Munkácsi li dị người vợ đầu, một vũ công năm 1926 sau khi phát hiện ra bà đã bí mật hướng con trai mình theo đạo thiên chúa trong khi đã hứa nuôi dạy nó như là một người Do Thái). Chỉ sau đó một thời gian ngắn, cô con gái của ông cũng qua đời vì bệnh bạch cầu. Trong khi đó tờ Ladies' Home Journal yêu cầu ông đi khắp nước Mỹ để thực hiện series “How America Lives” của họ và công việc của ông bắt đầu quá sức kể từ đó. Với 65 tác phẩm trong 6 năm, ông bị cắt hợp đồng và chẳng bao lâu sau đó Martin Munkácsi bị cơn đau tim đầu tiên. Ông tái hôn rồi lại li dị, và trong khi các dự định còn chất đống thì Martin Munkácsi đã dành số tiền tiết kiệm của mình để thử làm phim.
Bức ảnh cuối cùng mà ông thực hiện cho tờ Harper's Bazaar là vào tháng 7 năm 1962, một năm trước khi ông qua đời. Đó là tác phẩm về một người phụ nữ trên bãi biển với khăn trùm đầu màu đen trước biển giống như trong tác phẩm đã làm thay đổi cuộc đời Martin Munkácsi năm 1933.

“Ông ấy muốn xây dựng thế giới của mình bằng một cách riêng”, Richard Avedon nói với sự ngưỡng mộ. “Và đó là cái cách mà ông ấy nhìn thấy sự tự do, hạnh phúc của thế giới. Dù cho ông đã phải gánh chịu nhiều mất mát thì nỗi đau cũng không bao giờ phá hủy được ước mơ của Martin Munkácsi. Ngày nay những gì được gọi là thế giới thời trang là do những người kế thừa phong cách của ông xây dựng nên”.



Ảnh thời trang chụp cho Harper's Bazaar, 1940 Hungarian Museum of Photography, Kecskemét.

Biển!, 1930, Hungarian Museum of Photography.

Nude, 1935, Hungarian Museum of Photography.

Bóng nắng, 1923 Hungarian Museum of Photography, Kecskemét.

Không có nhận xét nào: