Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

10 thg 6, 2011

Có Một Cái Bao Tử

Tạp văn của Lâm Ngữ Đường

chuyển ngữ : Nguyễn Hiến Lê
Chúng ta là động vật, một hậu quả quan trọng nhất của sự kiện đó là chúng ta có một cái bao không đầy, gọi là bao tử. Nó ảnh hưởng lớn đến văn minh của nhân loại. Một triết gia sành ăn của Trung Quốc, Lý Lạp Ông, trong bài tựa phần “Ẩm soạn bộ”, tập “Nhàn tình ngẫu kí’; có lời trách oán cái bao không đầy ấy như vầy:

“Xét cơ thể của con người, tôi thấy tai, mắt, mũi, lưỡi, tay chân, thân thể, hết thảy đều cần thiết, không thể thiếu được, chỉ có hai cơ quan không cần thiết chút nào cả mà trời lại phú cho ta, tức cái miệng và cái bao tử, nguồn gốc tất cả những cái lụy của loài người, từ xưa đến nay. Có cái miệng với cái bao tử nên sinh kế mới hóa ra phiền phức, sinh kế phiền phức nên mới sinh ra những mưu mô, gian trá. Mưu mô, gian trá sinh ra nên mới phải đặt hình pháp; thành thử vua không thể thi hành nhân chính, cha mẹ không thể nuông chiều con cái, ngay đến Tạo vật hiếu sinh như vậy cũng phải làm trái cái chí của mình. Tất cả những cái đó chỉ do Tạo vật vụng tính khi tạo thân thể con người, cho ta hai cơ quan đó

.

“Thảo mộc không có miệng và bao tử mà vẫn sống, đá đất không ăn uống mà vẫn trường tồn. Thế thì tại sao loài người lại khác mà phải có miệng và bao tử? Nếu như phải có miệng và bao tử thì sao không cho ta như loài cá loài tôm, uống nước mà sống, hoặc như con ve con châu chấu, hút sương mà sống, cũng phát triển đầy đủ khí lực để bơi lội, bay nhảy, kêu hót vậy? Như vậy chúng ta sẽ có cầu gì với đời đâu mà bao nhiêu nỗi lo lắng sẽ biến hết. Đã sinh ra cái miệng, cái bao tử, Tạo vật lại cho ta nhiều thị dục, bao nhiêu cũng không chán, như sông biển không bao giờ đầy, thành thử suốt đời, bao nhiêu cơ quan khác đều phải kiệt lực cung phụng cho hai cơ quan đó mà không đủ.

“Tôi suy đi nghĩ lại về điều đó, không thể không trách Tạo vật được. Tôi cũng biết rằng Tạo vật tất cũng hối hận rằng mình lầm, nhưng đã lỡ rồi, hình thể con người đã định rồi, làm sao sửa được. Cho nên ai đã đặt ra pháp lệnh, chế độ, phải thận trọng ngay từ lúc đầu, không thể sơ suất được, điều đó thực là quan trọng”.

Nhất định là đã lỡ rồi, không sao sửa được nữa; và cái sự kiện chúng ta có một cái bao tử để đánh dấu quá trình lịch sử của nhân loại. Khổng Tử hiểu rõ thiên tính của con người, cho nên chỉ kể cho hai thị dục lớn nhất là dinh dưỡng và sinh dục, tức như nói nôm na thì là ăn uống và trai gái. Nhiều người đã khắc chế được sắc dục nhưng chưa có vị thánh nào khắc chế được ẩm thực, quên đi sự ẩm thực quá bốn năm giờ liền. Cứ cách ít giờ thì trong óc ta nhất định nổi lên điệp khúc bất biến này: “Bao giờ ăn đây?”. Mỗi ngày điệp khúc đó nổi lên ít nhất là ba lần, đôi khi bốn năm lần. Các cuộc hội nghị quốc tế, đương lúc bàn cãi say sưa và sôi nổi về tình hình chính trị, cũng phải tạm ngưng lại vì bữa cơm trưa… Quốc hội phải sấp đặt nghị trình sao cho hợp với giờ ăn bữa cơm. Một cuộc lễ gia miện[1][6], mà kéo dài tới năm, sáu giờ hoặc nhằm bữa cơm trưa tất bị công chúng la ó tức thì. Vì chúng ta có một cái bao tử cho nên khi chúng ta họp nhau lại để tỏ lòng kính mến ông nội, thì chúng ta cử hành một tiệc khánh thọ để ăn uống.

Có lí do cả đấy. Bạn bè gặp nhau ở bữa tiệc thì hòa thuận vui vẻ với nhau lắm. Một chén yến có công dụng làm giảm nhiệt độ của cuộc tranh biện, làm dịu bớt sự xung đột về quan điểm của nhau. Bạn thân nhất mà họp nhau lúc đói thì thế nào cũng gây lộn nhau. Ảnh hưởng của một bữa ăn ngon kéo dài có khi cả tuần, cả tháng, cho nên chúng ta ngần ngại không nỡ điểm một cách gay gắt một cuốn sách mà tác giả đã đãi ta một bữa thịnh soạn ba bốn tháng trước. Chính do lẽ đó mà người Trung Hoa vốn hiểu thấu bản tính con người, tìm cách giải quyết những cuộc phân tranh ở giữa tiệc rượu chứ không phải ở pháp đình. Nhiều khi dùng cách đó mà họ tránh được những cuộc phân tranh nữa. Ở Trung Hoa, chúng ta thường bày tiệc để mua chuộc lòng người. Sự thực chỉ có cách đó là chắc chắn hơn cả để thành công về chính trị. Ai chịu khó so sánh các thống kê, sẽ thấy có một liên quan chặt chẽ, hoàn toàn giữa số yến tiệc một người đãi bạn bè với sự thăng quan mau chóng của người đó.

Trời sinh ra chúng ta như vậy, làm khác sao được? Tôi không tin rằng đó là thói riêng của người Trung Hoa. Một người Mĩ, làm Tổng trưởng Bưu điện hay làm chức giám đốc nào đó, có thể từ chối một ân huệ với người bạn thân đã đãi mình năm sáu bữa cơm ngon tại nhà không? Tôi cá rằng tính tình người Mĩ không khác người Trung Hoa, nhưng họ không có những nhận xét sâu sắc về bản tính con người, hoặc không biết tổ chức đời sống chính trị cho hợp với bản tính đó.

Chúng ta bị vấn đề ẩm thực chi phối tới nỗi từ cách mạng, hòa bình, chiến tranh, ái quốc, đến tinh thần ái quốc, đời sống hằng ngày của cá nhân, của xã hội đều chịu ảnh hưởng sâu xa vì nó. Nguyên nhân cách mạng Pháp ở đâu? Có phải tại Rousseau, Voltaire, Diderot không? Không. Chỉ tại vấn đề ẩm thực. Nguyên nhân cách mạng Nga và cuộc thí nghiệm của Sô Viết? Cũng tại vấn đề ẩm thực. Nã Phá Luân nói câu này thực thâm thúy: “Quân đội ra trận với bao tử của họ”. Khi dân chúng đói thì đế quốc tan vỡ mà những chế độ bạo ngược mạnh mẽ nhất cũng phải sụp đổ. Đói thì mọi người không chịu làm việc, quân lính không chịu chiến đấu, các cô danh ca không chịu hát, các ông nghị viện không chịu họp hội, ngay đến các vị Tổng thống cũng không chịu trị nước nữa. Và vì đâu ông chồng chịu khó nhọc làm việc trong phòng giấy suốt ngày, nếu không phải là vì hi vọng về nhà được ăn một bữa cơm ngon. Do đó mà có câu tục ngữ này: Muốn chiếm được lòng của một người đàn ông thì nên theo con đường từ bao tử của họ. Khi nhục thể được thỏa mãn rồi thì tinh thần bĩnh tĩnh, khoan khoái hơn và người ta hóa ra đa tình, đa cảm hơn. Các bà thường phàn nàn rằng các đấng phu quân ít khi để ý tới những chiếc áo mới, giày mới, hoặc kiểu tô long mày mới của mình. Nhưng có bao giờ các bà phàn nàn rằng các ông không để ý tới món bíp tếch ngon hoặc món trứng tráng ngon không? Lòng ái quốc là gì, nếu không phải là lòng yêu những món ngon mà mình được ăn hồi nhỏ? Tôi đã có lần nói rằng người ta trung thành với chú Sam[2][7] là trung thành với món bánh rán[3][8], món thịt muối, món khoai tây ngon của chú, trung thành với anh Fritz[4][9] là trung thành với những món thịt cá rán bọc bột, món bánh Noel của anh. Còn về tình thân ái quốc thì tôi cho rằng món mì ống (macaroni) chứ không phải Mussolini đã phá cái tình “tương tri” của thế giới với nước Ý, mà món mì ống đã gây được. Là vì trong sự ẩm thực, cũng như trong sự chết, chúng ta thấy rõ rằng tứ hải giai huynh đệ.

Đứng trước một bữa tiệc sang, mặt mày người Trung Hoa tươi tỉnh ra sao! Khi bao tử của họ no, họ cho rằng đời sống đẹp quá. Từ cái bao tử no đó, tiết ra một niềm vui tinh thần. Họ tin rằng bao tử mà no thì mọi sự như ý. Cho nên về vấn đề ăn uống, nhắm nháp, họ không bẽn lẽn, thẹn thùng gì cả. Nuốt một muỗng canh ngon, họ chặc lưỡi thú vị, mà người phương Tây cho vậy là thiếu nhã nhặn. Tôi có cảm tưởng rằng chính cái phép lịch sự của phương Tây[5][10], buộc người ta ăn uống nhỏ nhẹ, không ồn ào, không tỏ vẻ khoan khoái, đã làm cho nghệ thuật nấu ăn của họ ngừng lại không tiến nữa. Tại sao người phương Tây trong bữa ăn lại nhỏ nhẹ như vậy, lại tỏ vẻ thiểu não, lễ mạo trịnh trọng như vậy? Tôi tin chắc rằng khi người mẹ cấm trẻ con ồn ào trong bữa ăn là làm cho nó bắt đầu cảm thấy cái bi thảm của cuộc đời. Tâm lí con người như vậy: hễ không được tỏ nỗi vui ra mà phải nén nó lại thì không thể nào cảm giác được nỗi vui đó nữa, sinh ra uất hận, buồn bực, đau bao tử, đau thần kinh. Ta nên bắt chước người Pháp, khoan khoái la lớn “A!” khi người bồi bàn đem lên một đĩa sườn ngon, rồi “hừm hừm” y như một loài vật, sau khi đã nếm được một miếng. Biết thưởng thức món ăn, tỏ rằng mình có một bao tử bình thường, khang kiện thì đó có gì là đáng xấu hổ? Không, người Trung Hoa không như vậy. Họ không có lễ độ trong bữa cơm, nhưng biết thưởng thức món ăn lắm.

Khoa thực vật học và động vật học không phát triển ở Trung Hoa vì nhà bác học của họ không thể lạnh lùng ngắm một con cá mà không nghĩ ngay đến cái vị của nó và muốn xực nó. Trông thấy một con nhím, họ nghĩ ngay đến cách làm thịt ra sao cho hết chất độc; đối với họ, chỉ có vấn đề đó là thực tế và quan trọng, còn như loài nhím sống ra sao, có công dụng gì, khi thấy thù địch thì da nó làm sao mà dựng đứng những lông nhọn lên được, tất cả những câu hỏi đó họ cho là phù phiếm, vô ích. Phương Đông phải học môn động vật học và thực vật học của phương Tây, nhưng có thể dạy lại phương Tây cách thưởng thức cây cối, hoa cỏ, chim chóc, động vật.

Vậy ẩm thực là một trong những lạc thú quí nhất ở đời. Cũng may mà bản năng biết đói ít bị tục kị húy và giới luật xã hội đè nén như bản năng tính dục, mà các triết nhân, thi nhân, thương gia, nghệ sĩ có thể tụ họp chung quanh một cái bàn, ăn uống trước công chúng mà không mắc cỡ gì cả. Bản năng đó nhờ ít bị đè nén nên ít gây ra những sự trụy lạc, điên khùng cùng tội lỗi. Chỉ có một bản năng đó là được nhân loại thẳng thắn coi trọng. Đâu đâu người ta cũng nhận rằng đói là phải ăn; còn bản năng tính dục thì đâu có được nhận như vậy. Được thoải mãn rồi thì sự đói không gây xáo trộn gì cả. Cùng lắm là có một số người xấu ăn ra sao mà đến nỗi sinh đau bao tử, lở bao tử, hoặc đau gan; vài kẻ tự đào huyệt bằng răng nữa - như trường hợp vài cụ lớn Trung Hoa hiện thời – nhưng dù vậy đi nữa, họ cũng không xấu hổ.

Cũng có lẽ trên, sự ẩm thực ít gây tội ác xã hội hơn là tính dục[6][11]. Hình luật ít xét đến tội ăn uống mà đặt ra biết bao điều về cái tội gian dâm, hiếp dâm, li dị. Lời bàn đó không phải phù phiếm đâu vì vấn đề ẩm thực chúng ta khá thong thạo mà về vấn đề tính dục thì cái ngu xuẩn của ta đáng sợ. Nhiều gia đình Mãn Châu khi con gái về nhà chồng, dạy cho chúng nghệ thuật yêu đương cũng như nghệ thuật làm bếp, nhưng ở các xứ khác, người ta có làm gì không? Thành thử về tính dục, chỉ có toàn là những truyện tiên, những huyền thoại và những dị đoan.

Về phương diện khác, đáng tiếc rằng chúng ta không có cái diều chim, hoặc cái dạ dày của loài nhai lại, nếu có thì xã hội đã thay đổi không thể tưởng tượng nổi, chúng ta đã thành một giống người khác rồi. Loài người mà có cái diều chim thì tất hiền lành, hòa bình như những con gà con, con cừu con rồi. Chúng ta sẽ ăn hột, ăn trái cây, hoặc ăn cỏ trên những đồi xanh, mà sẽ không hiếu chiến, tàn ác như ngày nay.

Có một sự liên quan chặt chẽ giữa thức ăn và tính tình mà ta không ngờ. Tất cả các loài ăn cỏ đều bẩm sinh ra hòa bình: như con cừu, con ngựa, con bò, con voi, con sẻ…; tất cả những loài ăn thịt đều hiếu sát: như con chó sói, con sư tử, con cọp, con ó… Hễ không cần chiến đấu thì tính tình không hiếu chiến. Gà trống cũng thường đá nhau nhưng không phải vì thức ăn mà vì gà mái. Nếu loài người có diều mà ăn thóc ăn cỏ thì cũng sẽ còn những cuộc chiến đấu nho nhỏ như trong loài gà, nhưng những chiến đấu đó khác xa những chiến tranh hiện thời ở Âu châu để xuất cảng các đồ hộp.

Tôi không biết gì về những con khỉ ăn thịt khỉ, nhưng tôi biết nhiều về những con người ăn thịt người, vì các nhà khảo cứu về nhân loại học đều chứng minh rằng thói quen ăn thịt người rất phổ thông. Tổ tiên chúng ta là những động vật ăn thịt. Vậy thì ngày nay chúng ta ăn thịt lẫn nhau - về phương diện cá nhân, xã hội và quốc tế nữa - cũng là chuyện thường có gì mà lấy làm lạ? Các giống mọi ăn thịt người và những người văn minh chỉ khác nhau ở điểm này: tụi mọi giết kẻ thù rồi ăn thịt, còn tụi văn minh giết rồi chôn, cắm một cây thánh giá lên mộ và cầu kinh cho linh hồn kẻ đó. Như vậy đã tàn nhẫn, tự cao tự đại mà lại thêm ngu xuẩn nữa.

Tôi hoàn toàn nhận rằng chúng ta đương tiến tới sự hoàn thiện, nghĩa là hiện nay chúng ta chưa hoàn thiện. Hễ chưa có được tính tình của loài có diều thì chưa thể tự xưng là thực văn minh được. Trong thế giới hiện đại, tôi thấy có hai hạng người: hạng ăn thịt và hạng ăn rau. Hạng trên chuyên lo việc của người, hạng dưới chuyên lo việc của mình. Mười năm trước tôi đã thử hoạt động chính trị, nhưng chỉ bốn tháng rồi tôi phải bỏ vì tự nhận ngay ra rằng mình không phải là hạng ăn thịt, mặc dù tôi vẫn thích món bíp-tếch. Đặc tính của loài ăn thịt là thích chiến đấu, mưu mô, lừa gạt, thao túng, đẩy lui kẻ thù; họ làm những việc đó một cách hào hứng, khéo léo, nhưng tôi thú thực rằng không tán thưởng thủ đoạn đó một chút nào. Tất cả chỉ là vấn đề bản năng: có người ưa chiến đấu để thi thố tài năng; nhưng cái chân tài sáng tạo, nghĩa là cái tài làm công việc của chính mình, hiểu thấu mục tiêu của mình, tựa hồ như hơi hiếm. Biết bao vị giáo sư giỏi, tốt, trầm tĩnh, hoàn toàn thiếu tánh tham dục và thiếu khả năng cạnh tranh với người, vậy mà tôi rất ngưỡng mộ họ. Tôi có thể nói rằng tất cả các nghệ sĩ nghĩ tới việc của mình nhiều hơn là tới việc của người và chính vì vậy mà họ thuộc loài ăn rau. Muốn cho nhân loại tiến hóa thì phải tăng tiến số người ăn rau lên để vượt số người ăn thịt. Nhưng hiện thời, chính hạng người ăn thịt thống trị chúng ta. Trong một thế giới tin tưởng ở những bắp thịt cường tráng thì nhất định phải như vậy.
vnthuquan.net

Không có nhận xét nào: