Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

10 thg 7, 2011

Diễn Từ Nobel Của SAINT JOHN PERSE

Saint-John Perse
chuyển ngữ : Phạm Toàn

Nhân danh Thơ, tôi xin nhận cái vinh dự trao cho tôi ở đây, và cũng mong được sớm trả lại vinh dự ấy cho Thơ.
Không có quý vị, Thơ hiếm khi được tôn vinh, bởi vì càng ngày ta càng thấy rõ có một sự tách rời giữa hoạt động thơ ca và cuộc sống xã hội vốn bị nô lệ vào vật chất.

Nhà thơ chấp nhận điều đó dù họ không tạo ra sự tách rời đó. Nhà khoa học thì, ngoài việc đi tìm những ứng dụng khoa học, họ cũng giống như nhà thơ. Song chúng ta tôn vinh cái tư duy vô tư của cả nhà thơ lẫn nhà khoa học. Chí ít thì, ở chốn này, nhà khoa học và nhà thơ không bị coi là những người anh em kình địch. Vì đôi bên giống nhau là cùng tra hỏi về cùng một cái vực thẳm, chỗ khác nhau chỉ là cung cách họ khảo sát cái vực thẳm ấy.

Ta hãy nhìn tấn bi kịch của nền khoa học hiện đại đang đứng trước những giới hạn duy lí trong cái tuyệt đối toán học; ta hãy nhìn trong vật lí học hai chủ thuyết lớn, một bên đặt ra nguyên lí tương đối luận, một bên đưa ra nguyên lí lượng tử vốn nghi ngờ ngay cả tính chính xác của những đo lường vật lí; ta hãy lắng nghe nhà đổi mới khoa học vĩ đại nhất của thế kỉ này, người khởi xướng vũ trụ luận hiện đại, người đã rút gọn cái hợp đề tri thức to tát nhất thành chỉ còn một phương trình, nghe người ấy gọi trực giác đến hỗ trợ cho lí trí và tuyên bố rằng “tưởng tượng là vườn ươm thực thụ của khoa học”, thậm chí còn đi xa hơn thế, đến độ đòi nhà khoa học phải thừa hưởng một tầm nhìn đích thực của người nghệ sĩ: liệu có chứng minh nổi là đúng không khi ta coi công cụ thơ ca cũng chính đáng như công cụ logic?
Thực ra, mọi sáng tạo của tư duy khởi thủy đều là “thơ” theo nghĩa đen, và trong chừng mực có một sự tương đồng giữa phương thức nhạy cảm và phương thức trí tuệ, thì ngay từ khởi thủy cả nhà thơ và nhà bác học đều đã theo cùng một nghiệp.
Đi con đường tư duy logic biện chứng hay đi con đường tinh túy thơ ca - cách nào đi xa hơn và từ chốn xa trở lại được? Và từ cái đêm đen khởi nguyên khi hai kẻ mù lòa bẩm sinh đang sờ soạng tìm đường, một người có trong tay công cụ khoa học, người kia chỉ được trụ đỡ bằng những lóe sáng trực giác, kẻ nào rồi sẽ ngoi lên và chất chứa những long lanh ngắn ngủi? Câu trả lời nào có can hệ gì. Chung cho cả đôi bên là sự diệu huyền. Và cuộc đại phiêu du của tư duy thơ ca cũng chẳng chịu thua chút nào những phương trời đầy kịch tính của nền khoa học hiện đại. Có những nhà thiên văn từng nổi điên lên vì cái lí thuyết về vũ trụ đang giãn nở, nhưng cũng có không ít sự giãn nở trong cái vô cùng đạo lí của vũ trụ người. Khoa học càng đẩy lùi được các biên giới khoa học, thì trên khắp vùng nằm trong vòng cung căng theo những đường biên giới ấy, ta sẽ còn nghe được tiếng đoàn chó săn của nhà thơ đang đuổi con mồi. Vì nếu như thơ ca, như người ta vẫn nói, không còn là “cái thực tuyệt đối” nữa, thì nó cũng đến được gần sát chốn đó, bởi vì thơ ca đến sát nhất lòng đeo đuổi thực tại và đến sát nhất sự tri giác thực tại, cái tưởng như được nằm ở nơi giới hạn cùng cực của thực tại và sự săn đuổi thực tại, nơi dường như thực tại hình thành ngay trong bài thơ.
Thông qua sự tương đồng và sử dụng biểu tượng, qua sự khởi sáng xa vời của công cụ biểu đạt, và nhờ sự tương quan đến ngàn vạn chuỗi phản ứng và liên tưởng lạ kì, và cuối cùng nhờ cái duyên của ngôn ngữ đủ sức diễn đạt sự chuyển động của Cái Hiện Tồn, nhà thơ có được một siêu thực tại không thể giống hệt như cái thực tại của khoa học. Ở con người liệu còn có thứ biện chứng nào mãnh liệt hơn và ai trong mọi con người dấn thân mạnh mẽ hơn vào đó? Khi ngay các nhà triết học đào tẩu khỏi cái ngưỡng siêu hình, thì chính nhà thơ đến đó thế chỗ nhà siêu hình; khi đó, Thơ đã tỏ ra đích thực là “đứa con diệu kì” theo cách nói của một nhà triết học thời cổ, người vẫn coi Thơ là đáng ngờ hơn cả trong vai trò ấy.
Thế nhưng, còn hơn là một phương cách nhận thức, Thơ trước hết là phương thức sống - và sống trọn vẹn. Nhà thơ tồn tại trong con người sống nơi hang động, nhà thơ lại sẽ sống trong con người thời hạt nhân, vì chất nhà thơ đó là phần không thể thiếu của con người. Ngay cả tôn giáo cũng sinh ra từ Thơ, một đòi hỏi tinh thần, thế rồi nhờ có Thơ mà cái tia lửa thiêng trời phú sẽ được gìn giữ mãi trong hòn đá lửa người. Khi các huyền thoại sụp đổ, cái linh thiêng đi tìm nơi trú ngụ trong Thơ, có thể tiếp tục sống trong Thơ. Hệt như trong các đám rước cổ, những người rước Bánh nhường cho những người rước Đuốc đi trước, đó chính là sức tưởng tượng của Thơ thắp lên niềm đam mê kiếm tìm ánh sáng đến vô cùng của con người. Hãy nhìn niềm kiêu hãnh của con người bước đi dưới gánh nặng sứ mệnh vĩnh cửu! Hãy nhìn con người bước đi dưới gánh nặng nhân loại khi một chủ nghĩa nhân văn mới, một sự hợp nhất thực thụ về tâm trí, được mở ra trước mắt con người... Trung thành với sứ mệnh của mình, chính là sự đào sâu vào bí ẩn con người, Thơ hiện đại dấn thân vào một sự nghiệp mà càng đeo đuổi thì càng khiến con người được hoàn toàn là chính mình.
Trong một thứ Thơ như vậy, chẳng có gì như thể cuộc tranh tài. Cũng chẳng hoàn toàn là thẩm mĩ. Đó không phải thứ nghệ thuật như thuốc xoa bóp chữa đau, cũng chẳng phải là thứ để trang trí. Nó không sản xuất ngọc trai nhân tạo cũng không buôn bán những biểu trưng thay thế, và nó cũng chẳng thấy thỏa mãn với bất kì cuộc liên hoan âm nhạc nào. Trên đường đi, Thơ liên minh với Cái Đẹp - liên minh tối thượng, những vẫn chẳng coi đó là mục đích tối hậu, cũng chẳng coi đó là miếng mồi duy nhất. Bằng cách chối từ việc tách rời nghệ thuật khỏi cuộc sống, cũng như tách rời tình yêu với nhận thức, Thơ là hành động, Thơ là đam mê, Thơ là sức mạnh và sự đổi mới luôn luôn không biết đâu là giới hạn. Tình yêu là ngôi nhà ấm của nó, bất tuân lệnh là niềm tin của nó, và nó ở khắp chốn cùng nơi, ở trong khả năng đi trước và thấy trước. Nó không bao giờ là sự vắng mặt hoặc sự khước từ. Tuy nhiên, nó không trông đợi gì ở những thuận lợi của thời đại. Bị trói chặt vào cái mệnh của mình, và hoàn toàn không bị ràng buộc vì bất kì ý thức hệ nào, Thơ tự thấy mình ngang vai bằng lứa với chính cuộc sống, và chỉ có mỗi một chốn để biện bạch đó là chính cuộc sống. Và hai cánh tay Thơ giang ra một lần ôm như một khổ thơ lớn sinh động, thế là nó ôm cả quá khứ lẫn tương lai, cả chất người và chất siêu người, toàn bộ không gian hành tinh và không gian vũ trụ. Vẻ tối tăm bí hiểm nó bị người đời chê trách không phải là bản chất của nó, vì bản chất nó là soi sáng, là cả cái đêm đen đang được nó thăm dò; đó là tâm hồn con người và cả chốn thẳm sâu đen tối ngập tràn cuộc tồn tại người. Cách biểu đạt của nó không thể tối tăm, và điều nó tỏ bày không hề kém chính xác so với cách diễn đạt của khoa học.
Thế là, nhờ có sự gắn bó hoàn toàn vào cái hiện tồn, nhà thơ giúp chúng ta duy trì mối liên hệ với cái tồn tại thường xuyên và tính thống nhất của Bản thể. Và bài học nó rút ra là bài học lạc quan. Đối với Thơ, chỉ có một nguyên lí chi phối toàn bộ cuộc thế này, đó là nguyên lí hài hòa. Không có cái gì có vượt quá khuôn khổ bản chất người lại có thể xảy ra ở đó. Những thăng trầm tồi tệ nhất của lịch sử chỉ là những nhịp điệu chuyển mùa nằm trong cái chuỗi sự kiện và đổi mới to rộng hơn rất nhiều. Và những vai Nữ thần Cuồng nộ(1) đang giương cao đuốc đi ngang sân khấu thì cũng chỉ soi rọi được chốc lát một chủ đề quá dài đang tiến diễn. Những nền văn minh đang chín muồi đâu có bị chết lây vì vài ba vụ thất bát lúc thu sang, đó chỉ đơn thuần là những chuyển động để đổi thay. Chỉ có sự ý trệ là mối đe dọa đáng sợ mà thôi. Nhà thơ là người có mặt ở đó giúp ta phá vỡ các thói quen. Và cũng chính vì vậy mà dù chẳng muốn thì nhà thơ vẫn thấy mình gắn bó với biến thiên lịch sử. Và chẳng có tấn kịch nào trong thời anh ta đang sống lại xa lạ với anh. Mong sao nhà thơ gửi được rõ ràng cho tất cả chúng ta cái phong vị sống vào thời khắc vĩ đại ấy! Bởi chưng thời khắc thì trọng đại và mới mẻ để ta có thể nắm bắt cái mới hoàn toàn. Và suy cho cùng, liệu chúng ta muốn giành cho ai cái vinh dự được sống đầy đủ cái thời đại này?
“Đừng sợ sệt” - Lịch sử lên tiếng vào một ngày nó bóc đi tấm mặt nạ bạo lực, và một tay giơ cao, nó làm dấu hiệu dàn hòa của Thánh nhân Đông Phương giữa cao trào vũ điệu thịnh nộ - “Đừng sợ sệt, và cũng chớ hoài nghi - vì hoài nghi là vô sinh và sợ sệt là súc sinh. Tốt hơn cả là hãy lắng nghe nhịp đập bàn tay ta đóng dấu ấn sáng tạo vào câu nói lớn của loài người luôn luôn trên con đường sáng tạo. Không lẽ nào cuộc sống lại có thể khước từ chính mình. Không có cái gì là sống lại xảy ra trước hư vô hoặc do ưu ái cái hư vô. Nhưng cũng chẳng có gì trong dòng chảy không ngừng của Hiện tồn mà lại duy trì được hình hài hoặc khuôn thước. Điều bi kịch không phải là ở trong bản thân đổi thay. Tấn kịch đích thực của thế kỉ là ở khoảng cách ta tạo ra to rộng giữa con người hữu hạn và con người vô hạn trong thời gian. Liệu một con người đã được khai sáng ở bên này dốc khi sang bên kia dốc cũng con người đó có u tối đi chăng? Và sự trưởng thành bắt buộc của con người trong một cộng đồng không ai giao tiếp với ai phải chăng chỉ là sự trưởng thành giả hiệu?...”
Giữa lòng chúng ta, nhà thơ chân chính là chứng nhân cho cái sứ mệnh kép của con người. Và điều đó có nghĩa là nâng cao trước đầu óc con người một tấm gương hết sức nhạy cảm để con người soi những khả năng tâm trí của mình. Đó là cất cao tiếng ngay trong thế kỉ chúng ta đang sống đây để nói lên cái thân phận người xứng đáng hơn cái thân phận con người do tổ tông sinh ra. Cuối cùng đó là gắn bó tâm hồn tất cả mọi con người vào dòng năng lượng tâm trí của toàn bộ thế gian. Đứng trước năng lượng hạt nhân, liệu cây đèn đất sét của nhà thơ có đủ sức làm điều đó? Câu trả lời là làm được, nếu như con người nhớ lại được đất sét.
Và đối với nhà thơ, như vậy là đủ để anh ta thành tấm lương tri tồi tàn của Thời đại mình
(Nguồn: http://nobelprize.org)
vietbao.vn

Không có nhận xét nào: