Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

8 thg 10, 2011

Ai Cũng Phải Chết

tạp văn của Lâm Ngữ Đường 
chuyển ngữ : Nguyễn Hiến Lê

Con người ai cũng có một thân thể sớm muộn sẽ bị hủy diệt, điều đó có nhiều hậu quả quan trọng. Trước hết, không ai sống hoài; rồi sau, ai cũng có một cái bao tử, nhiều bắp thịt cứng rắn, và một bộ óc tò mò.

Những hậu quả đó ảnh hưởng sâu xa không bao giờ ta nghĩ tới; nhưng nếu chúng ta không nhận thấy nó một cách rõ ràng thì chúng ta không thể hiểu được bản thân chúng ta và nền văn minh của chúng ta.
Con người bất luận giàu sang, nghèo hèn, cũng được Trời cho một chiều cao là từ thước rưỡi tới thước tám và một tuổi thọ là năm sau chục năm. Tôi ngờ rằng cái luật thiên nhiên đó quyết định mọi chính thể dân chủ, mọi loại thi ca và mọi thuyết triết học. Hóa công sắp đặt như vậy, xét ra quả là tiện. Chúng ta không cao quá, không thấp quá, và riêng phần tôi, cao một thước sáu mươi ba, tôi lấy làm thỏa mãn lắm. Tôi cho năm sáu chục năm là dài quá rồi; nhưng hóa công sắp đặt như vậy cũng là hoàn hảo. Năm sáu chục năm bằng ba thế hệ, thành thử khi chúng ta sanh ra còn được thấy ông nội ít năm trước khi người mất, rồi khi chúng ta tới tuổi già thì được thấy nhiều đứa cháu nội ra đời. Về điểm đó, tất cả triết lí thu gọn trong câu tục ngữ Trung Hoa này: “Dù có ngàn khoảnh ruộng tốt cũng chỉ ngủ trên chiếc giường năm thước” (Gia hữu thiên khoảnh lương điền, chỉ thụy ngũ xích cao sàng). Tôi không cho rằng một vị quốc vương cần một chiếc giường dài quá bảy thước Trung Hoa mà dù là quốc vương thì tối tối cũng phải lên giường ngủ. Vậy thì tôi có thua kém gì một vị quốc vương đâu. Và dù một người giàu nứt vách đổ tường đi nữa thì cũng ít khi thọ quá cái tuổi “cổ lai hi” là bảy chục.


Về sinh mệnh, ai có phần nấy và không ai có quyền để áp được toàn bộ; nhờ vậy chúng ta mới sống một cách thảnh thơi được. Đáng lẽ là những người mướn phòng vĩnh viễn trên cõi trần này thì chúng ta chỉ là những người khách qua đường, chủ điền hay tá điền cũng vậy. Thế là cái ý nghĩa của danh từ địa chủ đã giảm đi rồi. Ít người nhận đúng được ý nghĩa của sự bình đẳng trước sự chết thì Nã Phá Luân cũng chẳng coi sự bị đày ra đảo Sainte Hélène ra cái gì đâu, và tôi không hiểu như vậy tình trạng châu Âu sẽ biến đổi ra sao. Không có sự chết thì làm gì có tiểu sử các anh hùng và các nhà xâm lăng; giả sử như có thì tác giả các tiểu sử của họ chắc chắc không khoan hồng như vậy đâu. Chúng ta tha thứ bọn vĩ nhân trên thế giới này vì họ chết rồi mà chúng ta có cảm tưởng rằng mình ngang hàng với họ. Mỗi đám tang đều mang một tấm phướn viết bốn chữ này: “Nhân loại bình đẳng”. Do đó, ta mới có ý thức rằng đời sống là một hài kịch, và mới có đề tài cho thi ca và triết học. Shakespeare sâu sắc biết bao khi ông cho Hamlet đi tìm tàn cốt cao quí của Vua Alexandre và thấy nấm tro tàn đó dùng để bịt miệng một thùng rượu. Alexandre chết, người ta chôn Alexandre, Alexandre trở về cát bụi, cát bụi tức là đất, đất đó trộn với đất sét, vậy thì tại sao ta lại không có thể dùng tro tàn của Alexandre để bịt một thùng rượu được? Tinh thần hài hước của ông còn hiện rõ hơn nữa khi ông cho vua Richard II đàm luận về các nấm mồ, các con dòi trong áo quan, các mộ chí, và các truyện hoạt kê của các con rùa lúc nhúc trong sọ một ông vua. Omar Khayyam (một thi sĩ Ba Tư ở thế kỷ thứ X) và Giả Phù Tây – biệt danh là Mộc Bì Tử, một thi sĩ ẩn cư của Trung Hoa – đều đem cái tinh thần hài hước về sự chết ra giải thích lịch sử, cho những con chồn đào hang trong lăng tẩm của Vua chúa. Và Trang Tử trong đoạn bàn về chiếc đầu lâu, về sự chết, đã làm cho triết học Trung Hoa bắt đầu có vị hài hước sâu sắc:


 

“Trang Tử tới nước Sở, thấy một cái đầu lâu rỗng khô, trắng, lấy roi ngựa gõ vào, hỏi: “Ai đó, tham sinh, trái lẽ mà tới nỗi này chăng? Hay là mất nước rồi chết vì đao búa, mà tới nỗi này? Hay là có hành vi bất thiện, làm nhục cho cha mẹ vợ con mà tới nỗi này? Hay là vì chết đói mà tới nỗi này? Hay là được sống trọn tuổi trời rồi chết? Nói xong, Trang Tử gối đầu lên đầu lâu đó mà ngủ…”.


“Vợ Trang Tử chết, Huệ Tử đến viếng, thấy Trang Tử đang ngồi duỗi xoạc hai chân, tay gõ nhịp vào bồn mà hát. Huệ Tử bảo:



- Mình ăn ở với người ta, có con với người ta; bây giờ người ta già, người ta chết, không khóc cũng còn được, lại còn gõ bồn mà hát, chẳng cũng quá lắm ư?



Trang Tử đáp:



- “Không phải thế. Lúc nhà tôi mới mất, tôi cũng như mọi người, thương tiếc lắm chứ! Nhưng xét lại hồi trước thì vốn là không có sinh; chẳng những không có sinh mà vốn lại không có hình; chẳng những không có hình mà vốn lại không có khí; con người chẳng qua là tạp chất biến mà hóa ra có khí, khí biến mà hóa ra có hình, hình biến mà hóa ra có sinh, có sinh lại biến ra có tử, khác nào như xuân hạ thu đông bốn mùa cứ tuần hoàn qua lại không? Vả lại con người chết là trở về với tạo hóa, cũng như người ra ngoài mà về nhà, thế mà ta cứ còn theo đuổi, nghêu ngao khóc lóc, thì chẳng hóa ra không biết mạng trời ư? Cho nên tôi không khóc nữa”



Vậy khi ta có ý thức rằng ai cũng phải chết, rằng thời gian trôi đi mất, không giữ lại được thì thi ca triết lí mới bắt đầu xuất hiện. Cái ý thức về sự phù du của nhân sinh đó bàng bạc trong toàn thể thi ca Trung Quốc và trong một phần lớn thi ca phương Tây. Trong buổi tà huy rực rỡ, ta chèo chiếc thuyền trên một dòng sông lững lờ, cảnh đẹp biết bao, nhưng ngay lúc đó, hoa nở rồi tàn, trăng tròn rồi khuyết, và đời người cũng theo luật của hóa công, cùng với vạn vật sinh ra, lớn lên rồi chết, để nhường chỗ cho kẻ khác. Có thấy rõ được rằng cõi trần là hư ảo thì mới là giác ngộ. Trang Tử bảo có lần nằm mộng thấy mình hóa ra bướm, vẫy cánh mà bay, khi tỉnh dậy thấy mình là Trang Tử, rồi ông tự hỏi chính là Trang Tử mộng thấy hóa ra bướm hay bướm mộng hóa ra là Trang Tử. Đời sống chỉ là một giấc mộng mà chúng ta như những lữ khách ngồi trong chiếc thuyền trôi theo dòng thời gian vĩnh viễn, xuống thuyền ở bến này, rồi rời thuyền lên bộ ở bến khác để nhường chỗ cho những lữ khách đợi thuyền ở trên bờ.



Đời người sẽ mất nửa phần thú vị đi nếu chúng ta không cảm thấy rằng nó là một giấc mộng, hoặc một cuộc hành trình nhất thời, hoặc một màn kịch trên sân khấu mà đào kép quên rằng mình chỉ đóng trò thôi.

vnthuquan.net

Không có nhận xét nào: