Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

27 thg 10, 2011

Sự Tôn Nghiêm Của Con Người

tạp văn của Lâm Ngữ Đường
chuyển ngữ : Nguyễn Hiến Lê

Trong chương trên, chúng ta đã xét phần di sản có tính cách động vật của chúng ta và hậu quả của phần di sản đó tới văn minh.
Nhưng con người không phải chỉ có phần đó thôi. Muốn thấy toàn thể bản chất chúng ta thì còn phải xét thêm cái phần tôn nghiêm trong con người nữa, mất nó, vì lúc này đây và đặc biệt là trong ít chục năm sắp tới, nhân loại có cái nguy cơ đánh mất nó lắm.
Bạn bảo tôi: “Ông nhấn mạnh vào điểm chúng ta là những động vật; nhưng nếu vậy thì ông có nhận rằng chúng ta là những động vật đáng quí nhất trong vũ trụ không?”. Nhận chứ. Chỉ có loài người mới sáng tạo được một nền văn minh, làm sao chối bỏ điều đó được? Có lẽ có những loài vật hình dáng thanh nhã hơn, đẹp đẽ hơn hơn ta như loài ngựa; bắp thịt cường tráng hơn ta như loài sư tử; khứu giác thính hơn, bẩm sinh trung tín hơn như loài chó; thị giác sáng hơn như loài đại bàng; giác quan về phương hướng tốt hơn như loài bồ câu đưa thư; cần kiệm hơn, làm việc được nhiều hơn như loài kiến; tính tình hiền từ hơn như loài bồ câu mái hay loài cừu cái; kiên nhẫn hơn, mãn nguyện hơn như loài bò cái; tiếng kêu du dương hơn như loài chim sơn ca; có bộ lông đẹp hơn như loài vẹt, loài công. Nhưng loài người có một cái gì đó mà tôi vẫn thích hơn cả. Loài kiến hữu lí, có kĩ luật hơn chúng ta thật, chúng đã tìm ra được một chính thể ổn định hơn dân tộc Y Pha Nho hiện nay, nhưng theo chỗ tôi biết thì chúng không có thư viện, không có viện Bảo cổ. Nếu loài kiến hay loài voi chế tạo được một thứ viễn kính vĩ đại để ngắm sao, hoặc tìm ra được một ngôi sao mới, tính trước được bao giờ có nhật thực; hoặc nếu loài hải cẩu phát minh được khoa toán học, loài thát (castor)[1] đào được kinh Panama thì tôi sẽ coi chúng là chúa trên thế giới, là chúa tể trong vũ trụ. Phải chứ, chúng ta đáng tự phụ lắm chứ; nhưng cần tìm hiểu cái gì đáng cho ta tự phụ đây, cái tôn nghiêm của chúng ta ở chỗ nào đây.

 Như đầu sách tôi đã nói, cái tôn nghiêm đó có bốn đặc tính dưới đây của hạng người phóng lãng mà văn chương Trung Hoa đã đề cao: có tánh tò mò không vị lợi, có khả năng thơ mộng, có tinh thần hài hước để kiểu chính bớt khả năng mơ mộng, và tính cách bất thường, không thể đoán trước được. Theo tôi, cá nhân chủ nghĩa của Trung Hoa được biểu hiện trong quan niệm về người phóng lãng đó. Không phải là vô cớ mà người ta gọi Walt Whitman, nhà quán quân về cá nhân chủ nghĩa ở Mĩ, là người “Nhàn dật cao quí”.

 vnthuquan.net
Related Posts Widget for Blogger

Không có nhận xét nào: