Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

29 thg 10, 2011

Dàn Nhạc Giao Hưởng Việt Nam
Lưu Diễn Tại Mỹ

BBC

Cây vĩ cầm chính Lê Hoài Nam và nhạc trưởng Honna Tetsuji (Ảnh: Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam)
Đây là lần đầu tiên Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đi lưu diễn tại Hoa Kỳ


Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam thực hiện chuyến công diễn lần đầu tiên tại Hoa kỳ, mở đầu là buổi trình diễn tại Carnegie Hall hôm 23 tháng Mười và sau đó tới biểu diễn tại Boston Symphony Hall ngày 24 tháng Mười.

Được thành lập năm 1959, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam được duy trì ngay cả trong thời kỳ chiến tranh và tiếp tục tồn tại trong thời gian khó khăn kinh tế sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc.
Nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc trong chuyến lưu diễn này là một người Nhật, ông Honna Tetsuji, người đã từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế.
Ông Honna Tetsuji cũng là người đã gắn bó với Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam suốt 10 năm qua và mới đây vừa được tặng giải thưởng của Bộ Ngoại giao Nhật bản.
Hòa trộn nhạc cổ điển và dân ca
Chương trình biểu diễn tại Mỹ bao gồm bản Adagio cho đàn dây (Adagio for Strings) của nhạc sĩ Samuel Barber, nổi tiếng với bản nhạc trong bộ phim chống chiến tranh của Oliver Stone, phim Trung đội (Platoon).
Adation for Strings được cho là một trong những tác phẩm được ưa chuộng nhất thế kỷ 20. Đây cũng là bản nhạc được chơi tại tang lễ của Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và của Hoàng hậu Grace của Monaco cũng như lễ tưởng niệm các nạn nhân ngày 11 tháng Chín.
Với tinh thần đó, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã chơi tặng bản này cho các nạn nhân của động đất và sóng thần tại Nhật ngày 11 tháng Ba năm 2011.
Ngoài các bản nhạc cổ điển của các nhà soạn nhạc S. Barber và A.Dvorak (Bản giao hưởng số 8, cung son trưởng, Op.88), chương trình biểu diễn còn bao gồm hai bản dân ca Trống Cơm và Lý Hoài Nam được nhạc sĩ Ngô Hoàng Quân dàn dựng cho dàn nhạc giao hưởng.
Trước đó, Dàn nhạc giao hưởng New York đã tới Việt Nam biểu diễn lần đầu tiên tại Nhà hát lớn Hà Nội hồi năm 2009 trong chuyến lưu diễn châu Á, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Alan Gilbert.
Khó khăn
Khác xa với các nhạc công chuyên nghiệp chơi trong các dàn nhạc giao hưởng lớn trên thế giới, nhạc công trong Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam phải đương đầu với những khó khăn do đồng lương eo hẹp.
Điều đó khiến họ phải chia thời gian giữa việc luyện tập cho các buổi biểu diễn (khoảng 60 buổi một năm) và làm thêm (dạy đàn hay biểu diễn ngoài) để tăng thu nhập.
Nhạc trưởng Honna Tetsuji được trích thuật nói rằng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam chỉ có thể phát triển như một thực thể chuyên nghiệp và đáng tự hào nếu họ được hỗ trợ tài chính thêm vào với nguồn tài trợ hào phóng của chính phủ Việt Nam.
Hiện tại Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đang nhận một số tài trợ từ các cơ quan, tổ chức công và tư nhân trong đó có các viện của Nhật và các tổ chức thiện nguyện khác.
BBC

Không có nhận xét nào: