Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

12 thg 10, 2011

Cái Lưỡi Và Cơ bắp

tạp văn của Lâm Ngữ Đường
chuyển ngữ : Nguyễn Hiến Lê

Vì chúng ta là động vật, sớm muộn gì cũng chết, cho nên chúng ta có thể bị giết và cũng có thể giết người, mà không ai muốn bị giết và cũng ít ai muốn giết người.


Chúng ta có cái dục vọng rất cao quí tìm hiểu thêm, mở mang trí tuệ; nhưng hễ tri thức tăng tiến thì phát sinh sự bất đồng ý kiến, do đó sinh ra tranh luận. Trong thế giới các vị thần linh trường sinh bất tử, hễ có tranh luận thì không bao giờ dứt vì không người nào chịu nhận mình lầm. Trong thế giới của bọn hữu sinh hữu tử như chúng ta, tình cảnh khác hẳn. Thường thường kẻ tranh luận thế nào cũng bị đối phương ghét cay ghét đắng - lí luận càng đúng thì lại càng bị ghét - rồi bị đối phương thủ tiêu để giải quyết cuộc tranh luận. Nếu A giết được B thì A thắng lí; nếu B giết được A thì B thắng lí. Lối đó là lối thông thường của loài cầm thú. Trong thế giới động vật, con sư tử bao giờ cũng phải.


Trong xã hội loài người thì cũng vậy; và áp dụng luật đó ta có thể giải thích lịch sử một cách thích đáng. Chẳng hạn Galilée phát minh ra được rằng trái đất tròn và thái dương hệ vận chuyển theo những luật nào đó, nhưng rồi ông chối liền, không thừa nhận những phát minh đó vì ông có thể xác và có thể chết được, ông có thể bị giết, bị tra tấn; nếu không vậy thì ông đã tranh biện hoài chứ đâu chịu thua. Chỉ trong phòng tra tấn hoặc một phòng giam, chứ chưa nói tới cực hình hoặc giàn hỏa, cũng đủ cho ông thấy rằng mình lầm lẫn tới bực nào rồi. Vấn đề đã được giải quyết như vậy thực là dứt khoát, minh bạch.



Mà lối đó cũng tiện lợi, hữu hiện nữa. Từ chiến tranh xâm lược, chiến tranh tôn giáo, chiến tranh giữa Saladin[12] và giáo đồ Ki Tô, từ pháp đình Tôn giáo thời cổ, giàn hỏa để thiêu các phù thủy, cho tới phương pháp dung chiến hạm để truyền giáo, dùng súng ống để duy trì sự đô hộ của người Da Trắng, dung thiết giáp xa và phi cơ của Mussolini để truyền bá văn minh ở Ethiopie, tất cả những phương pháp đó đều là sản phẩm của phép suy luận cầm thú mà tổ tiên chúng đã di truyền lại. Nếu người Ý có cây súng tốt, bắn giỏi và được biết nhiều hơn thì Mussolini sẽ khai hóa cho Ethiopie; ngược lại nếu người Ethiopie có súng tốt, bắn giỏi và giết được nhiều người hơn thì Hailé Sélassié[13] sẽ khai hóa cho người Ý.



Chúng ta có thái độ uy nghi lẫm liệt của con sư tử, khinh thị lối tranh luận. Do đó mới có sự sùng kính quân nhân, vì chỉ có quân nhân là giải quyết được mau chóng sự bất đồng ý kiến. Cách mau nhất để bịt miệng một kẻ tự cho mình là có lí, mang tâm tranh luận, gân cổ lên cãi, là treo cổ hắn lên. Chỉ khi nào không có đủ sức mạnh bắt buộc kể khác chịu nhìn nhận những tín niệm của mình thì người ta mới phải dùng đến lời nói. Người hoạt động ít khi nói, khinh thị thói tranh biện. Vì chúng ta nói là để thuyết phục; đã có cách để thuyết phục thì còn dùng lời nói làm gì?



Nhưng nhân loại, ngoài cái bản năng chiến đấu ra còn có cái bản năng hay nói nữa. Xét về phương diện lịch sử, cái lưỡi cũng xuất hiện đồng thời với quả đấm cánh tay. Loài người khác loài vật ở khả năng biết nói nên có đặc điểm này là biết hỗn hợp dùng cả cái lưỡi và quả đấm. Điều đó cho phép ta tiên đoán rằng các tổ chức như Hội Vạn quốc[14], Thượng Nghị viện Huê Kì hoặc Hội thương gia…, tóm lại những cơ quan cho ta cơ hội để nói, sẽ tồn tại hoài. Hình như khi tìm lẽ phải, chúng ta phải nói. Điều đó đáng quí vì nói là đặc tính của các vị thần. Nhưng chúng ta khác các vị thần ở điểm này: chúng ta chỉ biện luận tới một mức nào đó thôi; tới cái mức mà một bên thấy lung túng mà lại có những cánh tay mạnh hơn, không muốn tranh luận nữa, lật đổ cái bàn, nắm cổ đối thủ mà đả; đả chán rồi ngó chung quanh, hỏi bọn thính giả bồi thẩm: “Tôi nói đúng hay sai?”. Và thính giả luôn luôn trả lời: “Ông nói đúng”. Không tin, xin bạn cứ lại các trà thất thì biết. Chỉ có loài người là giải quyết mọi việc như vậy. Thần thành chỉ dung lời nói để giải quyết sự xung đột; cầm thú chỉ giải quyết bằng bắp thịt, bằng nanh vuốt; duy có loài người là dùng hỗn hợp tạp cả miệng lưỡi và cánh tay. Thần thánh chỉ tin ở công lí, cầm thú chỉ tin ở sức mạnh, duy có loài người là tin rằng sức mạnh là công lí. Trong hai bản năng đó, bản năng hay nói, nghĩa là rán sức tìm xem ai có lí, tất nhiên cao quí hơn bản năng chiến đấu. Một ngày nào đó, nhân loại sẽ chỉ dùng lối đàm luận để giải quyết các sự xung đột, và lúc đó nhân loại sẽ được cứu thoát. Hiện nay thì vẫn còn phải dùng cả hai lối: như ở các trà thất, tranh luận và đấm đá. Nền văn minh của nhân loại vào năm 1936 như vậy.


vnthuquan.net

Không có nhận xét nào: