Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

3 thg 10, 2011

Nhà Thơ Nga YULI DANIEL

XIN AI NẤY NHỚ - NHỮNG CÂU THƠ VỚI MỘT ĐỀ TỪ - SINH NHẬT BỐN MƯƠI - ÔI XỨ SỞ CỦA TA

thơ của Yuli Daniel
chuyển ngữ : Hoàng Ngọc Biên

 
 
YULI DANIEL
(1925-1988)
 
Yuli Daniel sinh ngày 15.11.1925 tại Mạc Tư Khoa, là con trai của nhà văn Mark Daniel [1900-1940, tác giả những vở kịch và truyện ngắn viết bằng tiếng yiddish khá nổi tiếng ở Nga trước chiến tranh]. 
Năm mười tám tuổi, Yuli Daniel vào quân đội, được đưa thẳng ra các mặt trận Ukraina và Belorussia và bị thương nặng [1944] ở chân. Hai mươi mốt tuổi, ông trở về học lại ở Đại học Kharkov rồi trường Sư phạm Mạc Tư Khoa, và năm năm sau được bổ đi dạy môn văn chương Nga trong một trường trung học ở tỉnh Lyudinovo. Năm 1950, Yuli Daniel lấy vợ là Larissa Bogoraz, sinh viên, cũng dạy văn chương như ông, và có một con trai đúng vào năm ông khởi sự nghề dạy học. Sau hơn ba năm ở tỉnh, gia đình ông dời về Mạc Tư Khoa, ông chuyển từ giáo dục qua thơ, và là một trong những dịch giả Nga tài hoa nhất trong việc chuyển ngữ nhiều nhà thơ thuộc các nước trong khối Xô-viết. Tuy nhiên những bài thơ do chính ông sáng tác vào thời này không được hưởng sự may mắn xuất hiện như những bài thơ ông dịch. Từ 1956 đến 1963, ông viết văn xuôi và gửi ra xuất bản ở ngoài nước dưới bút danh Nicolas Arjak và Yu. Petrov, do đó chúng ta được biết tới Những bàn tay, Đây là đài phát thanh Mạc Tư Khoa, Người của Viện MINAP, Chuộc tội... Tháng Chín 1965, ông và Andrei Sinyavsky bạn ông cùng bị bắt và đưa ra tòa về tội cho lưu hành ở nước ngoài những tác phẩm không theo đường lối hiện thực xã hội chủ nghĩa, “tuyên truyền và gây rối chống Xô-viết”, ông bị xử tù 5 năm, và Andrei Sinyavsky 7 năm lao công cưỡng bức khắc nghiệt. Ông ra tù trung tuần tháng Chín năm 1970, sau 4 năm ở trại lao công Mordovia và một năm ở nhà tù Vladimir, nhưng vì không được phép ở Mạc Tư Khoa, phải về sống ở một tỉnh nhỏ là Kaluga. Vợ ông bấy giờ đang chịu án 4 năm lưu đày ở Irkutsk, Tây Siberia về tội biểu tình trên Quảng trường Đỏ chống Nhà Nước Xô-viết trong việc bắt giữ các nhà văn Nga và đưa quân đội xâm lặng Tiệp-khắc.
 
Những bài thơ tù là số ít thơ ông viết giữa thời gian ông bị an ninh Nhà Nước bắt giữ [mùa Thu 1965] và khi bị ra tòa và đưa đến một trại lao công [tháng Hai 1966]. Những bài thơ lập tức được lưu hành bí mật theo kiểu samizdat ở Liên Xô, trước khi được gom góp và ấn hành song ngữ ớ các nước như Anh, Mỹ, Pháp... trong những năm 1971-1973.* Sau thời gian chịu án, Yuli Daniel sống thầm lặng “như một công chức tỉnh lẻ”, trở lại với việc làm thơ và dịch thơ, và thỉnh thoảng được cho đăng những bài thơ dịch trên các tạp chí văn học ở tỉnh. Trở về với cuộc sống gần như ẩn dật, thơ ông không mất đi chiều sâu của nghệ thuật đặt kề cận một bên là sự khác lạ đầy ấn tượng, một bên là sự đơn giản trần trụi học được trong thơ ca Boris Pasternak – cách sử dụng những âm thanh rất gợi và cách chuyển đổi nhanh nhịp điệu trong bài thơ. Với kinh nghiệm đày ải, giờ đây hòa vào cái siêu thực Nga, cảm hứng từ sức mạnh suy tư của bậc thầy Nicolaï Zabolotski, và một giọng điệu trào phúng kiểu Do-thái bắt nguồn từ trong máu của gia đình, câu thơ Yuli Daniel hấp thụ nhịp điệu và giọng ai oán đắm đuối không chỉ của dân ca truyền thống, mà còn của dân ca hiện đại vang lên từ những trại tập trung lao động ông đã đi qua: giọng tuyệt vọng nhưng đồng thời bạt mạng, ngang bướng.
 
Yuli Daniel qua đời ngày 30 tháng 12 năm 1988 tại Mạc Tư Khoa. Những gì nhà văn Nga khiêm tốn để lại cho hậu thế nay không chỉ là một số lượng thơ** và thơ dịch rất đáng kể, mà còn là ký ức vụ án mang ý nghĩa “tiên phong” của ông và Andrei Sinyavski tiếp theo những hoạt động ly khai của giới trí thức và nhà văn Nga thời bấy giờ – đặc biệt là thái độ cứng rắn của Yuli Daniel trước tòa: trước sau, ông nhìn nhận hành động đưa đời sống xã hội ấy vào những truyện trào phúng ấy của ông ra nước ngoài là một hành động chính trị.
 
-------------------
* Ở Việt Nam, chào mừng ngày ra tù của Yuli Daniel, tạp chí Trình bầy [số 5, ra ngày 15 tháng Mười 1970] đã đăng bài “Bản án” của Yuli Daniel qua bản dịch tuyệt đẹp của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường căn cứ trên bản Anh văn của Adrian Mitchell phổ biến trên tờ Samizdat lưu hành bí mật ở Mạc Tư Khoa.
** Nhà thơ ca sĩ người Georgia Bulat Okoudzhava (1924-1997) trước khi qua đời ở Paris từng cho biết có một số bài thơ mang tên ông [chuyển ngữ tiếng Pháp hay tiếng Anh] đã do Yuli Daniel viết, vì tên nhà thơ này nằm trong danh sách những tác giả bị cấm ở Liên Xô.
 
 
 
[Xin ai nấy nhớ...]
 
Xin ai nấy nhớ đến ta. Mỗi bạn ta sẽ dành một dòng thơ.
Hãy yên tâm: đến Giêng này ta sẽ thanh toán xong mọi thứ
Không thủ đoạn, không than van cũng chẳng xin tha thứ.
Ta đã đến tuổi chín chắn: phải trả nợ thôi.
 
Say sưa và vô tích sự, ham hố những cái vui xác thịt,
Ta đã giễu cợt, ta đã nói dối, để được ở bên các bạn.
A! cái ta cho chẳng bao nhiêu. Mà nhiều kể không hết là
cái ta nhận dưới mái nhà vô định, bấp bênh, mối mọt này.
 
Xưa chỉ bằng một chữ ta có thể giết người hoặc quyến rũ,
Đích của ta nay không còn đấy và thế là ta bắn trúng ta.
Nhưng số phận rộng lượng đã cho ta một hồi kết đẹp đẽ:
Ta xứng đáng được các bạn nghĩ đến và thương yêu.
 
Các bạn cuốn hút ta như màu hổ phách cuốn hút giấy.
Xin ai nấy nhớ đến ta. Mỗi bạn ta sẽ dành một dòng thơ,
Cay đắng và vụng về, thấm đẫm sự đau buồn
Để các bạn thương mến ta khi ta đã đi xa.
 
                                          19 tháng Mười 1965
 
 
Những câu thơ với một đề từ
 
                                        Tại sao anh cần cây bút chì?
                                        Để làm thơ.
                                        Thơ loại gì?
                                        Xin hãy đừng lo, chỉ là thơ trữ tình.
                                        Thơ nói về tình yêu?
                                        Rất có thể.
 
Vâng, thơ nói về tình yêu, cho dù vẫn có lỗ khóa
Con mắt kia, ngày đêm, mở to trước cửa.
Vâng, thơ nói về tình yêu và lòng ghen
Khi ta đi tìm, khi ta có được, và cả khi ta lại mất.
 
Vâng, thơ nói về tình yêu, giữa các vách tường Nhà Nước,
màu xanh lá phản chiếu ánh sáng vàng tươi.
Vâng, thơ nói về tình yêu, yêu đến cuồng nhiệt
Để không bao giờ, không bao giờ sẽ quên điều này:
 
Những tâm hồn rung động, những thân xác tự tôn vinh,
Sự san sẻ hạnh phúc và mất mát,
Suốt đời anh anh vẫn mong được nói về tình yêu,
Thế mà đến hôm nay anh mới được gia ân.
 
Vâng, nói về tình yêu. Và bất chấp mọi thứ,
Nói đúng thực chất của nó, cạo bỏ lớp bóng bên ngoài;
Họ tưởng đã cắm chặt anh, đã buộc anh thả neo ở chốn này,
Nhưng anh sẽ bay đến em, xuyên những vách tường kia,
Bay thẳng đến em: chỉ một khoảnh khắc cũng đã đủ.
 
Bọn họ thảy đều bảo anh: “Hãy quên đi, hãy yên nào,
Tên tình nhân khốn khổ đáng thương, hãy học cách hạ mình.”
Còn anh, khi lướt những nụ hôn lên phím xương vai em
Anh nghe vang dội những hợp âm của lời hứa hẹn.
 
Anh thuộc về em, về em, trọn vẹn, mãi tận trái tim,
Anh sẵn sàng đếm những năm tháng và những dặm đường.
Anh chỉ chờ đợi em. Còn ở đâu khác, nếu không là ở đây,
Anh có thể yêu em và tin là em yêu anh?
 
                                          19 tháng Mười 1965
 
 
Sinh nhật bốn mươi
 
Thật là vui biết được rằng ta từng coi nhẹ,
Từng bất cần bao nhiêu thứ hệ trọng trên đời,
Rằng năm tháng cứ thế thoải mái trôi, không vướng bận,
Như nhựa cây thông, tự nhiên không chút bận tâm!
 
Hãy cứ để những vị nghiêm nghị nhăn mặt nếu họ muốn
Từ trên đỉnh cao trịnh trọng của tuổi bốn mươi!
Thật là vui biết được rằng chẳng cần phải có lý do gì,
Chỉ trò đùa tinh quái là cứ quay ta điên cả người!
 
Hỡi bóng ma tổ tiên ta, những vị bận tâm đến tư tưởng,
Chủ đề khốn khổ của những dòng thơ cao quí!
Thà trở thành một tên vô lại cực kỳ, như thế,
Chẳng cần lý do, chỉ cần nhân danh cái thích ngông của ta,
 
Thà loạng quạng ở chỗ sâu, lấy tuyết ra tạc tượng,
Sống đâu cũng sống bên lề, yêu thứ tình yêu đánh cuộc...
Ôi tuổi thơ ta, ôi con người ta thân thiết, có thể nào
Ngày nào ta cũng được nghe mi nói giọng nói bạn bè!
 
Không, không ai có thể làm gì cho số mệnh của mình
Nhưng, ít ra, hãy quèo chân hắn ta một cái, để cười vui...
Này, trời cao kia! Xin chớ khước từ kẻ múa may khốn khổ này.
Hỡi đất mẹ của ta, xin chớ nứt làm đôi để nuốt trửng ta.
 
                                          12 tháng Mười một 1965
 
 
Ôi xứ sở của ta
 
Ôi xứ sở của ta, xin nói với ta một lời, một lời thôi.
Trái tim ta vẫn thuần khiết trước mi. Vậy thì
lời vu vạ có cần phải trâng tráo và vĩnh viễn
chia cách ta với mi như thế?
 
Ôm những giấc mơ của mình đi trên đá tảng của mi
đến rỉ máu, ta đến với mi, chân bước giữa trời mưa nắng,
Ta đi cùng mi, ta bước cùng mi và những thành phố
của mi tuôn trào trước mắt ta như những giọt lệ.
 
Ta không hề giấu kín một ý đồ nào
Một bí mật nào cho số phận của chính mình,
Ôi xứ sở của ta, nào, xin nói với ta một lời
Mi biết là ta chưa bao giờ nói dối mi.
 
Ta chưa bao giờ đặt tình yêu lên đĩa cân
Và chưa bao giờ đem đam mê ra chia phần,
Ta yêu mi biết bao, ôi tổ quốc Nga của ta, có lẽ
Phụ nữ ta chưa yêu người nào đến thê.
 
Ta không muốn than van số phận của mình,
Ta không muốn phải lảo đảo dưới cây thập giá,
Ôi xứ sở của ta, xin hãy cho vầng trán ta cảm nhận
Bàn tay mi. Vâng, đứng trước mi trái tim ta thuần khiết.
 
                                          29 tháng Giêng 1966
 
 
---------------------
“[Xin ai nấy nhớ...]”, “Những câu thơ với một đề từ”, “Sinh nhật bốn mươi” và “Ôi xứ sở của ta” dịch từ bản tiếng Pháp “[Souvenez-vous de...]”, “Vers avec épigraphe”, “Quarantième anniversaire” và “Ô mon pays” của Édith Scherrer trong Iouli Daniel, Poèmes de prison [Tiouremnyé Stikhi] (Paris: Gallimard, 1973).
 
Yuli Daniel [trái, ra tù năm 1970] và Andrei Sinyavsky [phải, để râu dài,
vừa được phóng thích tháng 6.1971] gặp lại nhau mùa hè 1971 tại Zvenigorod.
 tienve.org
Related Posts Widget for Blogger

Không có nhận xét nào: