Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

7 thg 10, 2011

Đường Ray - Phác Họa Tháng Mười - Dưới Độ Đóng Băng

thơ của Tomas Tranströmer
chuyển ngữ : Phan Quỳnh Trâm

 Hàn Lâm Viện Thụy Điển vừa công bố quyết định trao giải thưởng Nobel văn chương năm 2011 cho nhà thơ Tomas Tranströmer, người được xem là nhà thơ lớn và có ảnh hưởng nhất của Thụy Điển trong mấy thập niên vừa qua.
 Sinh ngày 15 tháng Tư 1931 tại Stockholm trong một gia đình trí thức và có truyền thống văn học (cha là một nhà báo và mẹ là một giáo viên), Tranströmer học cổ ngữ Latin ngay từ trung học. Lên đại học, ông học về tâm lý học và lịch sử văn học cũng như lịch sử tôn giáo. Tốt nghiệp năm 1956, ông làm việc trong ngành tâm lý học (chuyên về thiếu niên phạm pháp). Năm 1990, sau một cơn đột quỵ, ông bị bán thân bất toại và hoàn toàn không nói được nữa. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục viết văn, làm thơ và xuất bản một số tác phẩm quan trọng. Ngoài ra, ông vẫn tiếp tục chơi piano chỉ với một bàn tay còn cử động được.
Có lẽ do công việc và bệnh tật, số lượng tác phẩm của Tranströmer không nhiều như nhiều tác giả lớn khác cùng lứa tuổi (80). Tổng cộng, ông chỉ có khoảng 20 cuốn sách, bao gồm thơ, dịch thuật, phê bình và hồi ký. Tuy nhiên, về chất lượng thì hầu như tác phẩm nào cũng được khen ngợi.
Tranströmer làm thơ từ lúc mới 13 tuổi và gửi thơ đăng báo từ lúc ông còn là học sinh trung học. Năm 1954, hai năm trước khi tốt nghiệp đại học, ông cho xuất bản tập thơ đầu tay, 17 dikter (17 bài thơ). Tập thơ tức khắc gây nên một tiếng vang sôi nổi, được giới phê bình đón nhận như một khởi đầu đẹp của một tài năng thi ca lớn. Sau đó, ông liên tiếp cho xuất bản một số tập thơ khác, như Hemligheter på vägen (Những bí mật dọc đường, 1958), Den halvfärdiga himlen (Thiên đường nửa vời, 1962), và Klanger och spår (Cửa sổ và đá,1966). Tất cả các tập này cũng được tiếp nhận nồng nhiệt. Chúng củng cố vị thế của ông như là một nhà thơ lớn nhất của thế hệ của ông.
Từ đầu thập niên 1960, Tranströmer làm bạn với nhà thơ Robert Bly của Mỹ. Tình bạn thân thiết này đẫn đến những sự hợp tác tốt đẹp trong lãnh vực văn học. Robert Bly trở thành một trong những người dịch và giới thiệu thơ của Tranströmer với công chúng Mỹ. Từ các bản dịch tiếng Anh ấy, thơ của Tranströmer càng ngày càng đi xa khắp thế giới. Đến nay các tuyển tập thơ của ông đã được dịch khoảng trên 50 ngôn ngữ khác nhau.
Trong cuộc đời sáng tác của ông, Tranströmer nhận được rất nhiều giải thưởng quan trọng như các giải: Aftonbladets Literary Prize, Bonnier Award for Poetry, Neustadt International Prize for Literature, Oevralids Prize, Petrarca-Preis (Đức), Golden Wreath of the Struga Poetry Evenings và Swedish Award from International Poetry Forum. Năm 2007, Tranströmer nhận được giải thưởng Griffin về thơ đồng thời giải thưởng đặc biệt về Toàn bộ Sự nghiệp Văn học (Lifetime Recognition Award) do Griffin Trust for Excellence in Poetry trao tặng. Với giải Nobel năm nay, Tranströmer trở thành người Thụy Điển thứ chín nhận được giải thưởng vinh dự này.
Khác với nhiều tác giả khác cũng được giải Nobel, ví dụ nhà văn Peru Mario Vargas Llosa năm ngoái, Tranströmer ít quan tâm đến các vấn đề chính trị xã hội trên đất  nước ông cũng như trên thế giới. Ông sống khá ẩn dật, không có quan hệ sâu sắc với bất cứ tờ báo, nhà xuất bản, trường đại học hay một tổ chức nào. Ông hiếm khi xuất hiện trước đám đông hay phát biểu điều gì liên quan đến thời sự. Nhưng thơ ông, như lời nhận xét của Peter Englund, thư ký thường trực của Hàn Lâm Viện Thụy Điển, có ý nghĩa khai sáng rất lớn: “Qua những hình ảnh cô đúc và trong mờ, Transtromer đã mở ra cho chúng ta một cách nhìn mới về hiện thực. Ông viết về những vấn đề lớn: về cái chết, lịch sử, ký ức, thiên nhiên. Bạn không bao giờ cảm thấy nhỏ bé sau khi đọc thơ của Tomas Transtroemer.” (Through his condensed, translucent images, he gives us fresh access to reality. He is writing about the big questions: about death, history, memory, nature. You never feel small after reading the poetry of Tomas Tranströmer).
Daniel Halpern, chủ tịch nhà xuất bản Ecco ở Mỹ nhận xét: “Thơ, không những ở đất nước này, mà hầu như ở mọi nơi, đều nhỏ bé và đầy tính chất riêng tư; nó không nhìn ra ngoài, nó hướng nội. Nhưng có một số nhà thơ rõ ràng là viết những bài thơ có tính chất quốc tế. Tranströmer chính là một nhà thơ thông minh, mở rộng và mới lạ như thế.” Neil Astley, biên tập viên nhà xuất bản Bloodaxe Books ở Anh, gọi Transtromer là một nhà thơ đầy viễn kiến siêu hình học” (a metaphysical visionary poet). Có lẽ đó là một nhận xét chính xác nhất về đặc điểm thơ của Tranströmer.
Tranströmer tự mô tả thơ ông là những tụ điểm (meeting places), “nơi ánh sáng và bóng tối, nội tâm và ngoại giới xung đột để tạo nên những nối kết bất ngờ với thế giới, lịch sử và với chính chúng ta.” Để đạt được điều đó, Tranströmer thường quan tâm đến việc làm mới ngôn ngữ. Có lần ông phát biểu: “Ngôn ngữ đồng hành với các đao phủ thủ. Bởi vậy, chúng ta phải tạo ra một ngôn ngữ mới” (The language marches in step with the executioners. Therefore we must get a new language). Cái mới trong ngôn ngữ thơ của Tranströmer thường nằm ở hình tượng. Nhiều nhà phê bình trên thế giới cho ông là một bậc thầy về ẩn dụ (a master of metaphor).
Một số bài thơ được dịch sau đây có thể cho thấy ít nhiều về phong cách ấy của ông.
Phan Quỳnh Trâm
Đường ray
Đêm, hai giờ sáng: ánh trăng. Xe lửa đã dừng
giữa cánh đồng. Những chấm sáng xa lắc trong thành phố
lấp lánh lạnh lẽo nơi đường chân trời.
Như khi ai đó đã chìm quá sâu trong giấc mơ
sẽ không bao giờ hắn có thể nhớ mình đã ở đó
lúc trở lại căn phòng.
Như khi ai đó đã ở quá sâu trong bệnh tật
những ngày tháng cũ trở thành những điểm nhấp nháy, một chùm,
lạnh lẽo và yếu ớt ở chân trời.
Xe lửa đang đứng yên.
2 giờ sáng: trăng tròn, vài ngôi sao.
Phác hoạ tháng mười
Một chiếc tàu kéo lốm đốm gỉ sét. Nó đã làm gì từ đó đến nay
            trên đất liền?
Đó là một chiếc đèn nặng trĩu tắt ngúm trong giá rét
Nhưng những hàng cây có màu sắc hoang dã: gửi tín hiệu đến bờ bên kia.
Như thể những con người muốn được mang đi.
Trên đường về nhà, tôi thấy nấm mọc
                                                               xuyên qua bãi cỏ.
Chúng là những ngón tay, đang vươn ra cầu cứu, của một ai đó
đã từ lâu nức nở khóc thầm trong bóng tối dưới kia
Chúng ta là con người trên mặt đất.
Dưới độ đóng băng
Chúng tôi đang dự một buổi tiệc không ưa chúng tôi. Cuối cùng buổi tiệc để rơi mặt nạ và lộ nguyên hình: nó là một bến đổi cho những tàu chở hàng. Trong sương mù những khối khổng lồ lạnh lùng đứng trên đường ray. Vết phấn nguệch ngoạc trên cửa tàu.
Người ta không thể nói lớn, nhưng có rất nhiều bạo động bị đè nén ở đây. Đó là lý do tại sao các đồ trang bị trông có vẻ quá nặng nề. Và tại sao rất khó để thấy sự hiện diện của những thứ khác: một vạt nắng di chuyển trên những bức tường nhà và lướt qua một rừng những khuôn mặt vô tình nhấp nhánh, một câu thánh kinh chưa bao giờ được chép xuống: “Hãy đến với tôi, bởi tôi cũng đầy những mâu thuẫn như bạn.”
Sáng hôm sau tôi làm việc ở một thị trấn khác. Tôi lái xe vun vút trong buổi bình minh giống như một chiếc xi lanh màu xanh thẫm. Sao Thiên Lang treo lơ lửng trong băng giá. Trẻ em đứng trong một đám đông im lặng, đợi những chiếc xe buýt của trường, những đứa con nít không ai mong đợi. Ánh sáng mọc lên dần như tóc của chúng tôi.
---------------------
Dịch từ bản dịch tiếng Anh “Tracks” của Robert Bly in trong A Book of Luminous Things - An International Anthology of Poetry, Czeslaw Milosz biên tập (Harvest Books, 1998); “Sketch in October” của Robin Fulton và “Below Freezing” của Robert Bly in trong The Vintage Book of Comtemporary World Poetry, J.D. McClatchy biên tập (Vintage Books: 1996).
 tienve.org
Related Posts Widget for Blogger

Không có nhận xét nào: